Giải pháp xây dựng nông thôn mới bền vững trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, vào 9h00 ngày 27/8, Cổng TTĐT tỉnh Lào Cai tổ chức Chương trình Tọa đàm trực tuyến giữa các tổ chức, cá nhân với ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới về chủ đề: “Giải pháp xây dựng nông thôn mới bền vững trên địa bàn tỉnh Lào Cai”.
Chương trình tọa đàm tập trung vào các vấn đề:

-   Những thành tựu đạt được gần 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai;

-    Giải đáp những khó khăn, bất cập trong triển khai một số tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới tại cơ sở;

-    Các giải pháp nâng cao hiệu quả xây dựng nông thôn mới bền vững trên địa bàn tỉnh Lào Cai;

-    Sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới

Dưới đây là nội dung chương trình:
  • Người hỏi: Ban biên tập Cổng TTĐT tỉnh
    Với cương vị là Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng BCĐ Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Lào Cai, đồng chí thấy chủ trương, chính sách này như thế nào? 
    Đ/c Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM tỉnh Lào Cai
    Tôi phải khẳng định rằng, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là giải pháp chủ yếu, quan trọng và có tính chiến lược để thực hiện thành công Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân của Ðảng, nhà nước, đã được nhân dân đồng tình và hưởng ứng tích cực.

    Đối với tỉnh Lào Cai, sau 8 năm triển khai thực hiện chương trình đã đạt được kết quả quan trọng bước đầu; xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành phong trào thi đua sôi nổi, lan tỏa rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, bộ mặt nông thôn đã thay đổi rõ nét, hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư nâng cấp, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, phong trào phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân được quan tâm triển khai rộng khắp và thu được kết quả rất to lớn; mạng lưới giao thông nông thôn phát triển toàn diện; công tác giáo dục, văn hóa, y tế và vệ sinh nông thôn được trú trọng quan tâm; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, an ninh trật tự nông thôn được tăng cường, từ đó đã tạo bước đột phá, làm thay đổi căn bản diện mạo khu vực nông thôn.

  • Người hỏi: Ban biên tập Cổng TTĐT tỉnh
    Thưa đồng chí, đồng chí hãy nêu một số thành tựu nổi bật của tỉnh sau 8 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới?
    Đ/c Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM tỉnh Lào Cai
    - Sau 8 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đến nay tỉnh Lào Cai đã có 36 xã được công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới”, (Cao nhất so với các tỉnh miền núi phía Bắc). Tiêu chí bình quân/xã đạt 10,02 tiêu chí/xã, tăng 6,77 tiêu chí so với năm 2010. Số xã đạt 19 tiêu chí đạt 36 xã, tăng 36 xã so với năm 2010, số xã đạt dưới 5 tiêu chí còn 9 xã, giảm 87 xã so với năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 18,32 triệu đồng/người/năm, tăng 10,88 triệu đồng/người/năm so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 29,51%, giảm 23,96% so với năm 2010.

     - Hệ thống giao thông nông thôn phát triển mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa, từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh triển khai thực hiện được 3.947,39 km đường giao thông nông thôn, trong đó bê tông xi măng là 1.970,05 km. Đường rải cấp phối 803,8 km; Đường mở mới 706,78 km.

    Tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 94,5 %, tăng 30% so với năm 2010; Hệ thống cơ sở hạ tầng giáo dục được nâng cấp và xây dựng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em tại các vùng sâu, vùng xa được đến trường. 88% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 70% số hộ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh…;

    Để ghi nhận thành tích mà Tỉnh Lào Cai đã đạt được, năm 2015 Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng nhất và thưởng công trình phúc lợi 30 tỷ đồng cho nhân dân và cán bộ tỉnh Lào Cai; Nhân dân và cán bộ huyện Bảo Thắng được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua và thưởng 01 công trình phúc lợi 10 tỷ đồng; 07 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh Lào Cai được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và thưởng mỗi xã 01 công trình phúc lợi trị giá 01 tỷ đồng.

  • Người hỏi: Ban biên tập Cổng TTĐT tỉnh
    Công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia thực hiện Chương trình xây dựng NTM có ý nghĩa hết sức quan trọng trong xây dựng NTM, Vậy theo đồng chí Lào Cai đã triển khai nó như thế nào?
    Đ/c Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM tỉnh Lào Cai
    Xác định công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới; bởi vậy Lào Cai đã tích cực tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và người dân với nội dung tuyên truyền và hình thức phong phú, có trọng tâm, trọng điểm việc thực hiện tuyên truyền gắn chặt với công tác vận động quần chúng, qua đó đã huy động sức mạnh, nguồn lực của cả cộng đồng cho xây dựng nông thôn mới. 

    Thông qua công tác tuyên truyền giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động.

    Trong 8 năm qua, thông qua công tác tuyên truyền đã vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người dân đã ủng hộ quy ra tiền được trên 600 tỷ trong đó: 100 tỷ tiền mặt; 3,1 triệu ngày công lao động; hiến trên 315 ha đất để làm đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, 50 km đường giao thông các loại, 230 phòng học, 150 nhà tình nghĩa, 150 máy trộn bê tông, hơn 100 tấn xi măng, trên 3.500 m3 cát sỏi, hàng nghìn con trâu bò, hơn 65 nghìn xuất quà, khám chữa bệnh cho trên 7.500 người và nhiều hiện vật khác ....
  • Người hỏi: Ban biên tập Cổng TTĐT tỉnh
    Theo tôi được biết, mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM có nội dung rất quan trọng là thực hiện: Tái cơ cấu xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, Với cương vị là Giám đốc Sở NN&PTNT đồng chí đã chỉ đạo, điều hành đạt được kết quả NTN?
    Đ/c Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM tỉnh Lào Cai
    Sau 8 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh toàn diện, công tác quy hoạch sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp được quản lý tốt. Giá trị sản xuât nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2017 (theo giá so sánh 2010) đạt 6.160 tỷ đồng; tốc tăng trưởng bình quân  trên 6%. Cơ cấu kinh tế nội ngành tiếp tục có sự chuyển biến tốt và chuyển dịch đúng hướng. Giá trị sản phẩm trên 1 đơn vị ha canh tác năm 2017 đạt 62,6 triệu đồng, tăng gấp 3,47 lần so với năm 2008 (18 triệu đồng). Sản xuất đã đảm bảo an ninh lương thực, ổn định cuộc sống cho nhân dân các dân tộc vùng cao; công tác xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn tiếp tục được quan tâm, tổng sản lượng lương thực năm 2017 đạt 305.334 tấn, tăng gấp 2,54 lần (tăng185.562 tấn) so với năm 2008.  Trong chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại, phát triển chăn nuôi hàng hóa, tổng sản lượng thịt hơi các loại năm 2017 đạt 59.832 tấn, tăng 131,41% (33.977 tấn) so với năm 2008; Thủy sản phát phát triển mạnh, sản lượng  đạt 6.900 tấn, tăng 5.048 tấn so với 2008. Lâm nghiệp thực hiện đồng bộ các giải pháp triển khai, chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn và trồng rừng đa mục đích; tổ chức tốt việc quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng, giá trị rừng và bảo vệ rừng bền vững tỷ lệ che phủ rừng, góp phần tăng tỷ lệ che phủ từ 47,7% năm 2008 lên 54% năm 2017.

    *Trồng trọt: Đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chuyển đổi một số cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng và mở rộng thâm canh, tăng vụ từ 1 vụ lên 2 và 3 vụ. Mở rộng diện tích thực hiện canh tác cánh đồng một giống, trồng ngô thâm canh mật độ cao, đồng thời bố trí lịch thời vụ chặt chẽ, sử dụng cơ cấu giống hợp lý. Thực hiện tốt công tác kiểm soát giống, vật tư đầu vào sản xuất, chủ động phòng chống thiên tai, dịch bệnh.

    - Sản xuất lương thực liên tiếp được mùa, các chỉ tiêu về diện tích, năng suất, sản lượng đều vượt kế hoạch và tăng cao. Ứng dụng kỹ thuật thâm canh tiên tiến vào sản xuất lương thực được các địa phương tích cực thực hiện, diện tích gieo trồng cánh đồng một giống tăng nhanh đạt 8.558 ha, năng suất 62,55 tạ/ha, cao hơn so với sản xuất đại trà 15,9 tạ/ha, tăng 15 - 16 triệu/ha/vụ. Trồng ngô thâm canh mật độ cao 5.967ha, năng suất 58,03 tạ/ha, tăng so với sản xuất đại trà 23,3 tạ/vụ, tăng 11  - 12 triệu/ha/vụ.

    - Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng nhanh, năm 2017 đạt 1.229,7ha ; giá trị sản phẩm trên đơn vị canh tác ứng dụng công nghệ cao bình quân 229,55 triệu đồng, cá biệt sản xuất hoa đạt trên 1 tỷ đồng/ha; sản xuất theo hướng ứng dụng một phần công nghệ cao đạt 7.765 ha (gồm: 4.279 ha cánh đồng một giống, ứng dụng canh tác lúa cải tiến - SRI; 438 ha rau an toàn; 1.135 ha chuối; 880 ha dứa; 631 ha cây ăn quả ôn đới và 402 ha chè) tập trung tại các huyện Mường Khương, Bảo Thắng, Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên.

    * Phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực:
    Sản xuất giống cây trồng: Tổ chức sản xuất 310 ha giống lúa; Ứng dụng CNC trong sản xuất giống cây ăn quả ôn đới trên 15 vạn cây gốc ghép, đáp ứng nhu cầu trồng mới cây ăn quả ôn đới của tỉnh. Sản xuất khoai tây giống trong nhà khí canh, đạt trên 30.000 củ/400m2; Tiếp tục thực hiện duy trì và mở rộng vùng sản xuất lúa chất lượng cao, diện tích thực hiện đạt 7.270 ha; Cây chè tổng diện tích trồng tập trung toàn tỉnh là 5.001,5 ha; Sản lượng chè búp tươi năm 2017 đạt 21.640 tấn, giá bán bình quân 6.500 - 7.000 đồng/kg, giá trị 150 tỷ đồng (bình quân 45-50 triệu đồng/ha).

    * Chăn nuôi: Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,19%/năm. Tổng đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh đạt trên 4,5 triệu con, tăng gần 1,4 triệu con so với năm 2008; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 59.832 tấn, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm trong tỉnh, một số sản phẩm xuất bán ra ngoài tỉnh. Trong chăn nuôi đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, theo hình thức trang trại, phương thức công nghiệp, sử dụng giống tốt, thức ăn công nghiệp, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh. Sản xuất chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao bước đầu được các doanh nghiệp thực hiện tốt, đã phát triển được 09 cơ sở chăn nuôi công nghiệp, công nghệ cao và 417 trang trại; có 03 chuỗi chăn nuôi lợn (trong đó có 02 chuỗi chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ sản xuất con giống đến giết mổ, tiêu thụ sản phẩm là thịt lợn và 01 chuỗi liên kết từng phần). Công tác kiểm dịch trong vận chuyển gia súc, gia cầm và kiểm soát giết mổ được thực hiện thường xuyên và có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong công tác ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ động vật qua biên giới. 

    *Trong thuỷ sản đã đầu tư xây 02 trại sản xuất giống cá cấp 1, hàng năm cung cấp cho thị trường trên 5 triệu con giống/năm, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất trong tỉnh. Diện tích, sản lượng nuôi trồng thủy sản hàng năm không ngừng tăng, do tổ chức tốt việc chuyển đổi một số diện tích đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản, khai thác tốt tiềm năng các hồ đập, sông suối và lợi thế của các địa phương; đồng thời chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa vào sản xuất một số giống cá có giá trị kinh tế cao như: cá hồi, cá tầm, cá lăng chấm, cá chiên, cá nheo vàng... góp phần tăng lợi nhuận sản xuất cho các hộ dân gấp 2 - 2,5 lần so với phương pháp nuôi thông thường và duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 21,1%/năm. 

     *Lâm nghiệp: Hoàn thành quy hoạch lại 3 loại rừng đến năm 2025. Hàng năm tổ chức tốt công tác bảo vệ từ 280.000 ha đến 333.000 ha; khoanh nuôi tái sinh mới: 30.092 ha; trồng rừng phòng hộ, đặc dụng: 9.975 ha; trồng rừng sản xuất: 60.801 ha; trồng cây phân tán trên 5 triệu cây; trồng cây cao su trên 2 triệu ha; trồng rừng thay thế nương rẫy: 350 ha; trồng rừng thay thế diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng  trên 1 triệu ha. Đẩy mạnh phát triển các loài cây lâm sản ngoài gỗ kết hợp với bảo vệ và phát triển rừng ổn định, bền vững; rà soát quy hoạch, nhân rộng một số loài lâm sản ngoài gỗ cho hiệu quả kinh tế cao như: sa nhân tím, hồi, trẩu, sơn tra ...; Phát triển vùng nguyên liệu quế, triết xuất tinh dầu gắn với nhà máy chế biến, tổng diện tích trồng Quế 23.083,3ha, quy hoạch đến năm 2020 (25.000ha); vùng nguyên liệu tre, luồng gắn với các cơ sở chế biến lâm sản, góp phần chống xói mòn, sạt lở, lũ quét và ứng phó với biến đổi khí hậu tại 3 huyện Bảo Yên, Văn Bàn, Bát Xát. Tổ chức, quản lý công tác khai thác, tiêu thụ gỗ rừng trồng đạt bình quân 50.000 m3 gỗ/năm; lâm sản ngoài gỗ (tre, nứa, vầu, bông chít, cây thuốc) đạt 2.000 tấn/năm; Sản phẩm chế biến: Ván bóc, ván dán: 58.400 m3.

     Công nghiệp chế biến lâm sản được đầu tư theo hướng ứng dụng công nghệ mới, hiện đại để nâng cao giá trị, tỷ lệ lợi dụng gỗ, đa dạng hóa sản phẩm... Tiếp tục hỗ trợ Nhà máy chế biến Lâm sản Xuân Giao Bảo Thắng, công suất 80.000m3 SP/năm hoạt động ổn định, tạo điều kiện thuận lợi để Nhà máy MDF Bảo Yên xây dựng, hoàn thiện đi vào hoạt động từ năm 2016 sản xuất ván dán với công suất thiết kế 100.000 m3/năm, ván tre đã sản xuất được trên 7.000 m3 sản phẩm...


  • Người hỏi: Ban biên tập Cổng TTĐT tỉnh
    Lào Cai được đánh giá là tỉnh có nhiều cách sáng tạo, vậy đồng chí cho biết một số cách làm sáng tạo nổi bật của tỉnh Lào Cai?
    Đ/c Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM tỉnh Lào Cai
    Ngoài 19 tiêu chí trong xây dựng NTM do Thủ tướng Chính phủ ban hành, Tỉnh Lào cai đã có nhiều nội dung sáng tạo để tổ chức triển khai thực hiện quả hơn, cụ thể như:
     1- Xây dựng Đề án NTM giai đoạn 2016-2020.
     2- Lào Cai đã thành lập Ban Tuyên vận thôn, tổ, Ban Tuyên vận xã, phường để tuyên truyền vận động người dân tập trung thực hiện xây dựng nông thôn mới, chấp hành tốt các chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, hăng hái thi đua lao động sản xuất để nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.   
    3- UBND tỉnh Lào Cai đã lựa chọn 5 nhiệm vụ trọng tâm, được xác định là những xương sống trong phát triển kinh tế, xã hội ở nông thôn; do đó, UBND tỉnh cũng phát động 05 nhiệm vụ trọng tâm gắn với phong trào thi đua “Lào Cai Chung sức xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững”  nhằm phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị ở các cấp ủy, chính quyền và nhân dân, phong trào đã thu hút được sự quan tâm và hưởng ứng tích cực của nhân dân, các dân tộc tỉnh Lào Cai, các nhiệm vụ đó là: 
    - Phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân
    -  Xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với duy tu bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn sau đầu tư
    -  Xây dựng nếp sống văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc
    - Cải tạo vệ sinh môi trường nông thôn
    - Giữ gìn an ninh trật tự nông thôn.
    4- Phân công lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, các ngân hàng, các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh mỗi đơn vị giúp đỡ một xã xây dựng NTM.
    5. Ban hành quyết định 1715/QĐ-UBND ngày 11/6/2018 về ban hành bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, với mục tiêu là duy trì và nâng cao chất lượng đối với tiêu chí của các xã đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM.


  • Người hỏi: Ban biên tập Cổng TTĐT tỉnh
    Vừa qua, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành bộ tiêu chí về xây dựng “Thôn nông thôn mới”, “Thôn Kiểu mẫu” (cụ thể là Quyết định số 1076/QĐ-UBND ngày 14/4/2016”. Vậy theo đồng chí Bộ tiêu chí này có ý nghĩa và tác động như thế nào đến việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai? Xin đồng chí cho biết về những kết quả đạt được?

    Đ/c Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM tỉnh Lào Cai
    Với mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn, tỉnh Lào Cai đã nghiên cứu và ban hành Quyết định 1076/QĐ –UBND ngày 14/4/2016 của UBND tỉnh ban hành Quy định về Bộ tiêu chí, "Thôn Nông thôn mới", "Thôn Kiểu mẫu" trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016-2020.

    Bộ tiêu chí “Thôn Kiểu mẫu” được triển khai thực hiện tại các xã đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới với 15 tiêu chí và 31 chỉ tiêu nhằm duy trì bền vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn, đồng thời thể hiện được các nét đặc trưng về kinh tế, văn hóa riêng của mỗi thôn. Ngoài ra, các thôn Kiểu mẫu còn phải đạt được một hoặc một số mô hình tiêu biểu có thể nhận diện bằng trực quan để các địa phương khác học tập như: sản xuất, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh trật tự, cảnh quan sinh thái…

    Bộ tiêu chí “Thôn Nông thôn mới” được triển khai thực hiện tại các xã đang phấn đấu hoàn thành với 15 tiêu chí và 28 chỉ tiêu nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí tại các thôn, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện 19 tiêu chí trên địa bàn các xã, việc xây dựng nông thôn mới từ cấp thôn, bản là một trong những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại các xã đang triển khai thực hiện, nhằm động viên khích lệ kịp thời các thôn có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, đồng thời là những tấm gương, những điển hình để các thôn khác trong và ngoài xã học tập, làm theo, nhằm thúc đẩy nhanh, bền vững quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh theo đúng kế hoạch đã đề ra.

    Ngay sau khi ban hành Bộ tiêu chí “Thôn Kiểu mẫu”, “Thôn Nông thôn mới”, các huyện, thành phố đã chỉ đạo các xã tổ chức hướng dẫn các thôn rà soát, lấy ý kiến nhân dân, việc triển khai thực hiện được sự đồng thuận cao của người dân cho thấy đây là chủ trương đúng đắn, phục vụ lợi ích và góp phần thúc đẩy sự phát triển đời sống của người dân khu vực nông thôn. Việc tổ chức triển khai thực hiện các tiêu chí của Bộ Tiêu chí “Thôn Nông thôn mới” và “Thôn Kiểu mẫu” đã và đang được các huyện, thành phố, các xã quyết liệt chỉ đạo; các thôn bám sát tình hình thực tế tích cực tổ chức thực hiện, đảm bảo hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

    Từ những kết quả bước đầu cho thấy việc xây dựng Bộ tiêu chí “Thôn nông thôn mới” và “Thôn kiểu mẫu” là một kênh giải pháp hiệu quả trong thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.


  • Người hỏi: Ban biên tập Cổng TTĐT tỉnh
    Theo đánh giá của nhiều lãnh đạo xã thì: Nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ then chốt trong xây dựng NTM nhưng không dễ thực hiện. Tuy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phát triển theo hướng hàng hóa nhưng còn chậm, sản phẩm chưa đa dạng. Để thay đổi cục diện này, Tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách thu hút nhằm tạo mối liên kết 4 nhà để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm, tìm đầu ra ổn định cho người sản xuất. Nhưng hiện nay có rất ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hoạt động có hiệu quả. Xin đồng chí cho biết quan điểm của ông về vấn đề này?
    Đ/c Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM tỉnh Lào Cai
    Để thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiệu quả, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư như: Quyết định số 143/2016/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 của UBND tỉnh lào Cai Ban hành Quy định về thực hiện chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2017-2020; Ngày 17/4/2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ - CP thay thế Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo Nghị định, những doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được thành lập, đăng ký, hoạt động theo Luật doanh nghiệp và có Dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư; Dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư và Dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư sẽ được hưởng nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích của Nhà nước. Các doanh nghiệp trên sẽ được Nhà nước ưu đãi và hỗ trợ thông qua miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước; hỗ trợ tập trung đất đai; tiếp cận, hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường; hỗ trợ đầu tư cơ sở: Bảo quản, chế biến nông sản; giết mổ gia súc, gia cầm; chế tạo thiết bị, linh kiện, máy nông nghiệp; sản xuất sản phẩm phụ trợ; Hỗ trợ đầu tư cơ sở chăn nuôi bò sữa, bò thịt; cung cấp dịch vụ công và đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.

    Các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp rất ưu đãi, tuy nhiên số doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện nay còn rất ít, nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp chưa mặn mà trong đầu tư là vướng mắc về cơ chế, chính sách trong nông nghiệp, nông thôn như vấn đề đất đai sản xuất, quy hoạch và kế hoạch sử dụng ruộng đất, tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khi đầu tư vào nông nghiệp, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều rủi ro khác như: rủi ro từ thiên tai, lũ lụt, hiệu quả và khả năng tiêu thụ sản phẩm bị han chế, liên kết giữa “4 nhà” chưa chặt chẽ, tỷ lệ sinh lời từ nông nghiệp còn thấp,…

    Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nông nghiệp phải tái cơ cấu, đổi mới phương thức, hướng đến nền nông nghiệp sạch, nông sản chất lượng cao. Do đó, nông nghiệp vừa phải bảo đảm an ninh lương thực, vừa cho ra các sản phẩm nông nhiệp chất lượng cao góp phần nâng cao thu nhập của đa số nông dân. Để làm được điều này, không thể thiếu vai trò của Doanh nghiệp. Việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển chính là hỗ trợ nông dân. Do vậy, phải tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải để doanh nghiệp  có điều kiện thuận lợi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Để tháo gỡ khó khăn, quan trọng nhất là Nhà nước phải có chính sách “kích hỗ trợ”, kể cả hỗ trợ về mặt pháp luật, tư vấn pháp luật, thị trường tiêu thụ, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học - công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn; phải có quy hoạch, kế hoạch một cách có hệ thống, có lộ trình, dự báo, dự đoán quy hoạch tương đối hiệu quả và thống nhất,... 


  • Người hỏi: Ban biên tập Cổng TTĐT tỉnh
    Thưa đồng chí Theo Quyết định số 59/QĐ-TTg, ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 nêu rõ: Tiêu chí về thu nhập chuẩn nghèo khu vực nông thôn là 700 nghìn đồng/người/tháng. Như vậy, mức chuẩn nghèo này gấp 1,75 lần so với giai đoạn 2011-2015 (400 nghìn đồng/người/tháng). Nếu không đạt tiêu chí thu nhập sẽ có khả năng gia tăng hộ nghèo, khó đảm bảo xây dựng NTM bền vững. Vậy theo đồng chí chúng ta cần phải làm gì trong thời gian tới?
    Đ/c Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM tỉnh Lào Cai
    Tiêu chí thu nhập và hộ nghèo là một trong những tiêu chí khó thực hiện và khó duy trì bền vững, do đó, những năm qua tỉnh Lào Cai đã thực hiện nhiều giải pháp, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Với điều kiện là tỉnh miền núi với tỷ lệ người dân tộc lớn, sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ lẻ vì vậy bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, các địa phương cần tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Ngoài ra, để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tỉnh đã có các chính sách hỗ trợ vay vốn

    Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; ưu tiên tập trung nguồn lực, dự án vào các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Thực hiện tốt hoạt động cho vay vốn đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách với lãi suất ưu đãi để bà con có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay phát triển kinh tế. Chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và quan tâm đến các chính sách bảo trợ xã hội.

    Đặc biệt, thực hiện nội dung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân, xóa đói, giảm nghèo gắn với việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn. Ngoài ra, để nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, các địa phương hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết, hợp tác, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả. Sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ các Chương trình 30a, 135 hay xây dựng nông thôn mới đúng mục đích, có hiệu quả dựa trên nhu cầu của người dân và sự quy hoạch vùng phát triển kinh tế của địa phương.
  • Người hỏi: Ban biên tập Cổng TTĐT tỉnh
    Để xây dựng toàn bộ các xã của tỉnh Lào Cai đạt chuẩn nông thôn mới cần phải có nguồn lực rất lớn. Theo tính toán của cơ quan chuyên ngành, giai đoạn 2016-2020 cần trên 7.000 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách nhà nước chiếm gần 44%, còn lại là các nguồn vốn khác. Vậy làm thế nào để có thể huy động nguồn lực lớn như vậy?
    Đ/c Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM tỉnh Lào Cai
    Giai đoạn 2016-2018, tỉnh Lào Cai đã huy động được trên 5.200 tỷ đồng, đạt trên 74,3% kế hoạch giai đoạn 2016-2020. Trong đó: Kết quả huy động nguồn lực trong 2 năm 2016-2017 là: 3.458.599 triệu đồng, trong đó: Ngân sách TW: 374.040 triệu đồng; Ngân sách địa phương: 1.142.896 triệu đồng; Vốn lồng ghép: 981.112 triệu đồng; Vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân, nhân dân đóng góp: 270.820 triệu đồng; Vốn khác: 689.731 triệu đồng.

    Tổng kế hoạch vốn dự kiến thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2018 là: 1.803.012 triệu đồng, trong đó: Ngân sách TW: 237.600 triệu đồng; Ngân sách tỉnh: 553.215 triệu đồng; Vốn lồng ghép: 524.449 triệu đồng; Dự kiến vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân, nhân dân đóng góp: 70.000 triệu đồng; Vốn khác: 417.748 triệu đồng. Đến 30/6/2018, đã giải ngân được 760.640 triệu đồng, đạt 42,19% kế hoạch giao.

    Để huy động được nguồn lực như trên, trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh ban hành các cơ chế chính sách đúng quy định của Trung ương và phù hợp với điều kiện kinh tế còn khó khăn của tỉnh như: Cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn; Cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp nông thôn; Cơ chế hỗ trợ làm nhà văn hóa khu dân cư... Năm 2017 Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-HĐND tỉnh ngày 08/12/2017 về cơ chế hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017-2020. Điểm tích cực của chính sách huy động và sử dụng nguồn lực tài chính xây dựng NTM tại Lào Cai thể hiện ở các khía cạnh sau:

    Thứ nhất, các cơ chế, chính sách được ban hành và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, tạo bước đột phá, thu hút được một lượng lớn các nguồn lực tài chính tập trung cho xây dựng NTM.

    Thứ hai, các hình thức, cơ chế huy động được thực hiện khá đa dạng. Đối với nguồn hỗ trợ từ ngân sách bao gồm các nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình NTM; ngân sách Tỉnh hỗ trợ; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án. Nguồn vốn tín dụng được huy động chủ yếu thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp. Vốn huy động từ DN được thực hiện chủ yếu thông qua hình thức hỗ trợ tiền mặt, sự giúp đỡ của lãnh đạo các cơ quan đơn vị được phân công giúp đỡ xã. Các hình thức huy động từ cộng đồng bao gồm tiền mặt, hiện vật, ngày công lao động.


  • Người hỏi: Ban biên tập Cổng TTĐT tỉnh
    Đến hết năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu có 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt 14 tiêu chí nông thôn mới và không có xã dưới 5 tiêu chí. Vậy cần những giải pháp gì để đạt được mục tiêu đề ra thưa đồng chí?
    Đ/c Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM tỉnh Lào Cai
    Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Lào Cai cần tập trung vào 11 giải pháp chính, cụ thể là:

    1. Củng cố hệ thống quản lý, tổ chức, chỉ đạo các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu trong triển khai hiệu quả Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh. 

    2. Đa dạng hóa, cải tiến hình thức và đẩy mạnh công tác tuyên truyền để Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục trở thành một phong trào rộng khắp lớn mạnh thu hút được sự tham gia đông đảo, nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân, sự góp sức của tất cả các tổ chức chính trị, các thành phần kinh tế. Đồng thời tổ chức phát động các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới hằng năm gắn với các nhiệm vụ trọng tâm; ký kết giao ước thi đua giữa các đơn vị, các đoàn thể tạo khí thế sôi nổi ngay từ đầu năm.

    3. Thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đổi với và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất liên kết với doanh nghiệp, sản xuất hàng hóa tập trung, an toàn và tìm kiếm đầu ra ổn định.

    4. Thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện chương trình hiệu quả, chú trọng nguồn nội lực của địa phương.

    5. Tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách phát triển sản xuất, giảm hỗ trợ trực tiếp, tăng hỗ trợ tín dụng; xây dựng các mô hình, dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo điều kiện cho các cá nhân, tập thể (tổ hợp tác), hợp tác xã, doanh nghiệp... đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

    6. Tăng cường, củng cố cơ sở hạ tầng nông thôn, cải thiện môi trường, phát triển giáo dục, y tế, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội gắn với xây dựng đời sống văn hóa mới ở nông thôn.

    7. Tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, phát triển mạnh các mô hình, dự án liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông sản, gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp;

    8. Triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về nội dung trọng tâm xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu.

    9. Tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới từ tỉnh đến cơ sở. Trên cơ sở nội dung, tài liệu đào tạo, tập huấn của Chính phủ, Bộ ngành liên quan và của tỉnh đảm bảo năng lực, trình độ của cán bộ chỉ đạo thực hiện Chương trình đạt hiệu quả.

    10. Thành viên BCĐ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững các cấp, thủ trưởng các đơn vị được giao giúp đỡ các xã tăng cường sâu sát cơ sở, kịp thời chỉ đạo, giải quyết các khó khăn, vướng mắc thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra.


  • Người hỏi: Ban biên tập Cổng TTĐT tỉnh
    Là người trực tiếp chỉ đạo thực hiện, xin đồng chí hãy cho biết một số khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Lào Cai trong thời gian qua?
    Đ/c Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM tỉnh Lào Cai
    Xây dựng nông thôn mới đã khó, xây dựng nông thôn mới tại miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người lại càng khó hơn. Vì vậy, qua thực tiễn triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã gặp một số khó khăn như sau:

    - Thứ nhất: Nhận thức người đồng bào dân tộc ít người còn hạn chế, nhiều phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại, thậm trí một số nơi còn rất nặng nề như: du canh du cư; đốt nương làm rẫy; cưới hỏi, ma chay lễ nạp kéo dài; tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; tập quán du canh du cư vẫn còn xảy ra; chăn thả gia súc tự do, nuôi nhốt gia súc gần nhà, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường nơi ở, khu dân cư. 

    - Thứ hai: Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc ít người còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, khả năng tiếp cận các chính sách an sinh xã hội còn hạn chế… Số hộ nghèo đa số nằm ở đối tượng dân tộc thiểu số, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, một bộ phận người đồng bào không có ý chí vươn lên thoát nghèo, trông trờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Do đó, việc huy động nguồn lực trong nhân dân trong xây dựng nông thôn mới chủ yếu là từ đóng góp ngày công lao động, hiến đất,…

    - Thứ ba: Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình hiểm trở do đó ảnh hưởng đến phát triển sản xuất, giao thương hàng hóa, kinh tế xã hội phát triển không đồng đều giữa các địa phương, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo lớn. Tập quán sản xuất lạc hậu, thủ công, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và ứng dụng cải tiến khoa học kỹ thuật hạn chế dẫn đến năng suất, sản lượng thấp, đồng bào ngại thay đổi tư duy, thay đổi phương thức sản xuất, làm theo lối mòn truyền thống.

    - Thứ tư: Tình hình an ninh trật tự tại vùng dân tộc thiểu số còn bất ổn, kiến thức về pháp luật còn hạn chế, người dân dễ bị lôi kéo theo các tín ngưỡng trái pháp luật, phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương…

    - Thứ năm: Cơ sở hạ tầng tuy đã được quan tâm đầu tư song vẫn chưa đồng bộ; do đồng bào dân tộc ở những nơi có địa hình phức tạp, mật độ dân cư thấp, suất đầu tư xây dựng hạ tầng cao; một số công trình đã được đầu tư như thủy lợi, nước sạch… chưa được người dân quản lý, duy tu bảo dưỡng thường xuyên dẫn đến xuống cấp, người dân chưa có ý thức bảo vệ các công trình hạ tầng được nhà nước đầu tư.
  • Người hỏi: Ban biên tập Cổng TTĐT tỉnh
    Với những kết quả đạt được từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, theo đồng chí bài học kinh nghiệm rút ra để xây dựng nông thôn mới thành công là gì?
    Đ/c Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM tỉnh Lào Cai
    Xây dựng nông thôn thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do đó, phải gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

    Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng phải là giải pháp quan trọng hàng đầu. 

    Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong các hoạt động xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

    Các cấp ủy, chính quyền phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quyết liệt, tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể. hệ thống chỉ đạo, đồng bộ, hiệu quả;

    Có bộ máy giúp việc đủ năng lực, chuyên nghiệp, sát thực tế sẽ là yếu tố quan trọng đảm bảo cho công tác chỉ đạo có hiệu quả.

    Phải có cách làm phù hợp với điều kiện của từng địa phương thông qua lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách.

    Có phương thức huy động các nguồn lực phù hợp. Phải lồng ghép sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ ngân sách của Nhà nước và các nguồn lực đa dạng; việc huy động, đóng góp của người dân phải được thực hiện trên cơ sở thực sự tự nguyện, bàn bạc dân chủ không gượng ép quá sức dân.


  • Người hỏi: Ban biên tập
    Hoàn thiện bộ tiêu chí để đạt chuẩn NTM là niềm vui nhưng đằng sau đó cũng là không ít lo lắng, trăn trở của cấp uỷ, chính quyền các cấp như: Nợ đọng xây dựng nông thôn mới; làm thế nào để duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới, giữ gìn không gian nông thôn truyền thống; không để xảy ra tình trạng hình thức, xu thế “phong trào hóa” trong xây dựng NTM; hiệu quả thực sự của những công trình như nhà văn hoá, chợ… được xây dựng trong chương trình NTM để tránh lãng phí cũng như việc duy tu, bảo dưỡng các công trình này… Xin cho biết quan điểm của ông về những này?
    Đ/c Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM tỉnh Lào Cai
    Việc xây dựng thực hiện hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của đảng và nhà nước, một xã được cho là đạt chuẩn NTM phải đạt 19/19 tiêu chí, 19 tiêu chí này đã bao hàm tất cả tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, trật tự an toàn xã hội, sau 8 năm triển khai thực hiện tỉnh lào cai đã đạt được nhiều kết quả rất to lơn, như bộ mặt nông thôn được thay đổi rõ nét, hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư nâng cấp, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên, mạng lưới giao thông được phát triển toàn diện.
    Đối với quan điểm chỉ đạo của tỉnh Lào Cai trong xây dựng NTM là thực hiện đảm bảo, thực chất, không chạy theo thành tích; nơi nào dễ làm trước khó làm sau, nơi nào ít tiền làm trước, nhiều tiền làm sau, nơi nào nhân dân đồng thuận làm trước, không đồng thuận làm sau, do vậy trong quá trình thực hiện xây dựng NTM, tỉnh Lào Cai không có nợ động trong xây dựng.
    Trong xây dựng nông thôn mới, để đạt được xã đạt chuẩn nông thôn mới đã khó, nhưng việc duy trì nâng cao chất lượng các tiêu chí còn khó hơn, do vậy trong 8 năm triển khai thực hiện tỉnh Lào Cai đã có 36 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM (là tỉnh đạt cao nhất so với các tỉnh miền núi phía Bắc). Vậy để duy trì các xã này tỉnh Lào Cai đã có nhiều giải pháp như: Ban hành bộ tiêu chí Thôn Kiểu mẫu và Thôn Nông thôn mới, Xã Nông thôn mới nâng cao.. 
  • Người hỏi: Nguyễn Thu Hương - phường Bình Minh - Tp Lào Cai
    Bà con ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh sử dụng tràn lan thuốc BVT vật và thuốc diệt cỏ không có nguồn gốc trong canh tác, sản xuất. Theo tôi được biết sử dụng như vậy sẽ không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn ảnh hưởng đến an toàn sản phẩm. Xin ông cho biết sở làm gì hạn chế tình trạng này?
    Đ/c Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM tỉnh Lào Cai

    Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật hàng năm toàn quốc sử dụng trong nông nghiệp khoảng 100 nghìn tấn thuốc BVTV các loại, với hơn 4.000 tên thương phẩm khác nhau. Tại tỉnh Lào Cai những năm gần đây người dân có xu hướng sử dụng thuốc BVTV đặc biệt là thuốc trừ cỏ gia tăng tại các vùng sản xuất hàng hóa ngô, chuối, dứa, chè... Kết quả thống kê cho thấy số lượng thuốc BVTV sử dụng hàng năm khoảng 200 tấn, trong đó chủ yếu là các loại thuốc trừ cỏ khoảng 140 tấn; thuốc trừ sâu, trừ bệnh khoảng gần 60 tấn, thuốc ngoài danh mục nhập lậu từ trung Quốc khoảng 10 - 12 tấn (chiếm tỷ lệ khoảng 5-6%).

    Việc quản lý các loại thuốc BVTV, thuốc trừ cỏ được UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức triển khai quyết liệt từ năm 2013, song đến nay thực tế vẫn còn một số tồn tại, bất cập chưa giải quyết triệt để đã phần nào ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại đến môi trường, sức khỏe cộng đồng và cản trở việc liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chủ yếu tập trung tại Khu vực vùng cao bao gồm các huyện: Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương và các xã vùng cao huyện Bát Xát. Từ 2011 đến tháng 6 năm 2018 đã thu giữ 11.736 kg thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục. Mới đây UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp chuyên đề về quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ.

    Giải  pháp trong công tác quản lý, sử dụng thuốc BVTV: Để quản lý, sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh Lào Cai được tổ chức thực hiện theo quy định ngăn chặn tiến tới chấm dứt tình trạng kinh doanh, buôn bán, sử dụng thuốc BVTV không đúng quy định, thuốc BVTV ngoài danh mục; đặc biệt là thuốc trừ cỏ ngoài danh mục (xuất xứ của Trung Quốc) thẩm lậu qua biên giới,buôn bán và sử dụng trên địa bàn Tỉnh thì cần có giải pháp đồng bộ và triển khai quyết liệt các biện pháp:

    Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, huy động cả Hệ thống chính trị vào cuộc đặc biệt là chính quyền địa phương cơ sở các địa bàn còn tình trạng sử dụng thuốc BVTV ngoài danh mục tuyên truyền dưới nhiều hình thức, để phổ biến những quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý, sử dụng thuốc BVTV. Đưa các tiêu chí về đảm bảo môi trường nông nghiệp trong xây dựng nôngthôn mới để từ đó phổ biến, tuyên dương những địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng thuốc BVTV trong cộng đồng dân cư từ đó nhân rộng nhằm từng bướchạn chế sử dụng thuốc BVTV không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.

    - Tăng cường công tác quản lý:
    Các cấp, các ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 15/CT -TTg, ngày 24/4/2017 của thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý vật tư nông nghiệp, Chỉ thị số 01/2013/CT-UBND của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý, sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

    Tăng cường sự phối hơp giữa chặt chẽ giữa Quản lý thị trường,Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, chính quyền địa phương và thanh tra chuyên ngành BVTV thường xuyên tổ chức các đợt thanh, kiểm tra việc kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về buôn bán các loại thuốc ngoài danh mục nhập lậu từ Trung Quốc; cấm mọi hoạt động mua - bán các loại thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ không đúng quy định tại các chợ trên địa bàn toàn tỉnh.

    Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố với lực lượng cán bộ có chuyên môn kỹ thuật, có hệ thống tổ chức tới tận cơ sở cần phối hợp với các Doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp tổ chức cung ứng đầy đủ vật tư đầu vào sản xuất, đồng thời kết nối tiêu thụ sản phẩm cho người dân tạo thành chuỗi bền vững trong cung ứng vật tư đầu vào và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân. 

  • Người hỏi:
     
    Ban Biên tập xin trân trọng cảm ơn Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai cùng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Lào Cai đã phối hợp thực hiện chương trình. Cảm ơn quý đọc giải đã quan tâm theo dõi và gửi câu hỏi đến chương trình.
     
  1 2 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1