Bảo Thắng - Điểm sáng hàng đầu về mô hình chuyển đổi số thông minh Lượt xem: 1

Tính đến trung tuần tháng 6/2024, huyện Bảo Thắng tiếp tục là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về xây dựng mô hình chuyển đổi số thông minh ở cơ sở với 20 mô hình, phủ khắp các xã, thị trấn.

Dịch vụ công đến tận thôn, tổ dân phố

Liên tục trong 2 ngày 29 và 30/5/2024, thôn Tả Hà 2 và thôn Tả Hà 3, xã Sơn Hà ra mắt mô hình thôn chuyển đổi số thông minh. Trước đó, thôn Tả Hà 1 được UBND xã Sơn Hà công nhận đạt chuẩn mô hình thôn chuyển đổi số thông minh đầu tiên của xã. Ngay trong ngày ra mắt, mô hình đã thực hiện thành công 2 hồ sơ chứng thực bản sao giấy khai sinh theo hình thức trực tuyến, việc chứng thực lần đầu tiên diễn ra tại nhà văn hóa thôn, không phải ở trụ sở UBND xã như trước đây.

IMG_0293.JPG
Thôn Tả Hà, xã Sơn Hà ra mắt mô hình chuyển đổi số thông minh.

Nhà văn hóa thôn Tả Hà 1 được xây dựng từ lâu, tuy không rộng rãi, to đẹp như một số nhà văn hóa trên địa bàn mới xây dựng nhưng cơ bản đủ trang - thiết bị cho đại diện hơn 200 hộ trong thôn sinh hoạt, họp hành. Đến sớm hơn thường lệ trong một buổi họp thôn, bà Nguyễn Thị Thương, 65 tuổi gặp 1 thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng của thôn để được hướng dẫn thao tác tra cứu văn bản trên điện thoại thông minh.

Bà Hồ Thị Hoa, Trưởng thôn và cũng là Tổ trưởng Tổ Công nghệ số cộng đồng thôn Tả Hà 1 - người phụ trách mô hình - cho hay, không chỉ thực hiện dịch vụ công tại nhà văn hóa thôn, người dân chưa rõ cách làm thì thành viên tổ công nghệ số đến nhà hướng dẫn thực hiện, việc nộp phí thủ tục hành chính cũng trực tuyến, nhận kết quả hoàn thành thủ tục ngay tại chỗ.

Thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng thôn Tả Hà hướng dẫn người cao tuổi thực hiện các bước đăng ký thủ tục hành chính trên điện thoại thông minh.

Thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng thôn Tả Hà hướng dẫn người cao tuổi thực hiện các bước đăng ký thủ tục hành chính trên điện thoại thông minh.

Bà Đỗ Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hà cho biết: Với lợi thế xã có trình độ dân trí tương đối đồng đều, sự quyết tâm của cấp ủy đảng, chính quyền và người dân, xã phấn đấu duy trì top đầu của huyện về chuyển đổi số thông minh.

 

Cụ thể là huyện Bảo Thắng hiện có 20 thôn được công nhận là chuyển đổi số, riêng xã Sơn Hà có 3 thôn, chỉ đứng sau thị trấn Phố Lu (4 thôn, tổ dân phố được công nhận); các xã, thị trấn khác mỗi địa phương có 1 thôn, tổ dân phố được công nhận chuyển đổi số thông minh.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hà, năm 2024, xã phấn đấu có thêm thôn Khe Mụ và thôn An Hồng, nâng tổng số thôn đạt chuẩn chuyển đổi số thông minh lên 5 thôn trong tổng số 10 thôn của xã.

IMG_0244.JPG
Tổ Chuyển đổi số cộng đồng tổ dân phố Phú Thành 3, thị trấn Phố Lu trao đổi cách thức thực hiện thủ tục hành chính tại cơ sở.

Tương tự, ngày 23/3/2024 là dấu mốc quan trọng về công nghệ của thị trấn Phố Lu với việc ra mắt mô hình điểm tổ dân phố chuyển đổi số thông minh tại Phú Thành 3. Ông Phạm Ngọc Tuất, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Phú Thành 3 thông tin: Tổ dân phố có 120 hộ, chủ yếu tham gia buôn bán, kinh doanh nhỏ và gia đình cán bộ, công chức, hưu trí. Sau khi ra mắt, các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng của tổ dân phố đã hỗ trợ người dân thực hiện thành công 3 bộ hồ sơ trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

img-0232-2386.jpg
Cơ quan thường trực chuyển đổi số cộng đồng tổ dân phố Phú Thành 3, thị trấn Phố Lu rà soát các trường hợp thực hiện thủ tục hành chính tại cơ sở.

Ông Tuất chỉ thực hiện một vài thao tác trên laptop của tổ công nghệ số cộng đồng đặt tại nhà văn hóa đã có thể tra cứu những thông tin về hồ sơ, trong đó có trường hợp bà Đàm Thị Hợp, 60 tuổi, thực hiện thủ tục hành chính tại nhà văn hóa tổ dân phố vào ngày 24/4. Biết có mô hình, bà Hợp đến nhà văn hóa của tổ dân phố, nơi chỉ cách nhà riêng 2 phút đi bộ thay vì đến trụ sở UBND thị trấn cách 4,5 km để làm giấy khai sinh cho cháu nội. Chỉ sau 2 ngày, bà Hợp đã nhận giấy khai sinh của cháu tại nhà văn hóa và thủ tục nộp lệ phí cũng được thực hiện tại chỗ nhờ hướng dẫn của thành viên tổ công nghệ số cộng đồng.

IMG_0285.JPG
Đa số người dân tại thị trấn Phố Lu khi đi chợ trung tâm Phố Lu không còn dùng tiền mặt.
 

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phố Lu cho biết: Chỉ 2 ngày nhưng quy trình vẫn phải từ tổ dân phố lên thị trấn rồi Bộ Công an, Bộ Tư pháp thẩm định trước khi hồ sơ quay trở lại UBND thị trấn thực hiện ký duyệt mới chuyển cho người dân. Nhờ công nghệ số đã rút ngắn thời gian người dân phải chờ đợi để hoàn thành 1 thủ tục từ 2 tuần, thậm chí là 20 ngày xuống còn 2 ngày và thời gian, quãng đường di chuyển của người dân đã rút ngắn tối đa.

Dẫn đầu về chuyển đổi số thông minh ở cơ sở

Bà Bùi Thị Hạnh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện Bảo Thắng - cho biết: Tháng 1/2024, UBND huyện Bảo Thắng ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện thôn chuyển đổi số thông minh giai đoạn 2024 - 2025, trong đó đề ra 4 tiêu chí, gồm: Hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

cho 4.0.jpg
Chợ 4.0 là sản phẩm tiêu biểu về chuyển đổi số tại Bảo Thắng trong thời gian qua.

Trước đó, để công tác chuyển đổi số thông minh tại cơ sở đi vào thực chất, phát huy hiệu quả trên thực tế, đảm bảo các mục tiêu phát triển, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện Bảo Thắng đã phân công các cơ quan của huyện giúp đỡ, tư vấn các xã, thị trấn xây dựng thôn điểm chuyển đổi số, trong đó có ít nhất 3 cơ quan, phòng, ban chuyên môn của huyện giúp đỡ 1 xã trong việc lựa chọn, xây dựng 1 thôn điểm về chuyển đổi số thông minh. Đến đầu quý II, cơ bản các xã đã ra mắt mô hình, riêng thị trấn Phố Lu và xã Sơn Hà vượt kế hoạch với tổng số 7 mô hình.

Tiêu chí thôn, tổ dân phố chuyển đổi số thông minh

+ Hạ tầng số: có từ 95% dân số trưởng thành dùng điện thoại thông minh; có 1 đến 2 điểm lắp đặt điểm wifi miễn phí; có máy tính cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân; có 2 - 3 điểm camera an ninh.

+ Chính quyền số: có 1 đến 2 thủ tục hành chính toàn trình để người dân thực hiện tại chỗ; căn cước công dân được định danh mức độ 2 đạt 100%; 100% trụ sở cơ quan, tổ chức và hộ gia đình trên địa bàn thôn được thông báo địa chỉ số.

cho thong minh.jpg
Cán bộ cơ sở thị trấn Phố Lu trong ngày ra mắt mô hình chợ 4.0.

+ Kinh tế số: 100% sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đủ điều kiện được đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử; 100% cửa hàng, hộ kinh doanh có sử dụng thanh toán điện tử;

+ Xã hội số: có 90% hộ gia đình trong thôn có tài khoản ngân hàng đăng ký điện tử; ít nhất 10% số người trong độ tuổi lao động được tập huấn, phổ cập kỹ năng số cơ bản trên các nền tảng số; có 100% hộ gia đình thu, xem truyền hình số.

Ngày 15/4/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt mô hình thí điểm chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Gia Phú, sự kiện này góp phần củng cố điểm sáng huyện Bảo Thắng về lĩnh vực chuyển đổi số thông minh tại cơ sở. Theo ông Nguyễn Đức Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện, đây là nguồn động viên để huyện Bảo Thắng tự tin thực hiện các mục tiêu về chuyển đổi số, nhất là ở tuyến cơ sở. Bảo Thắng sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển 4 trụ cột chuyển đổi số là hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

 
134.jpg

Với việc chuyển đổi số mạnh ở cơ sở, Bảo Thắng đã chọn hướng đi trọng điểm là xã hội số với phương châm ai cũng được hưởng lợi ích từ chuyển đổi số, cũng thành thạo trong ứng dụng công nghệ để mỗi người dân huyện Bảo Thắng thực sự là một công dân số.

theo LCĐT
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image

image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập