Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; các đồng chí bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên Ủy ban; lãnh đạo các địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Lào Cai
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số và Đề án 06 của tỉnh.
Chuyển đổi số góp phần truyền cảm hứng và tạo động lực cho phát triển mới
Theo báo cáo tại Hội nghị, 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động chuyển đổi số đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Theo đó, dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình (trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính) cả nước đạt 42% (cuối năm 2023 là 17%); bộ, ngành đạt 61% (cuối năm 2023 là 38%); địa phương đạt 17% (cuối năm 2023 là 9%).
Về hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, 63/63 địa phương (tăng 14 địa phương so với cuối năm 2023) đều đã ban hành chính sách giảm, miễn phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 15/63 địa phương (tăng 2 địa phương so với cuối năm 2023) đã ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Kinh tế số 6 tháng đầu năm ước đạt tăng trưởng 22,4% và tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước đạt 18,3%. Doanh thu lĩnh vực công nghệ thông tin (kinh tế số ICT) ước đạt 1.928.311 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm 2023.
Về quản trị số, lần đầu tiên sau hơn 20 năm, việc giám sát, đo lường dịch vụ công trực tuyến được thực hiện tự động, online; hệ thống giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện đánh giá chất lượng online. Cũng trong 6 tháng qua, lần đầu tiên Việt Nam đo lường chất lượng mạng viễn thông di động và băng rộng cố định trực tuyến bằng công cụ Make in Vietnam. Cùng với đó, giao dịch chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng, hệ thống thông tin qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia 6 tháng đầu năm tăng mạnh 67% so với cùng kỳ năm 2023.
Về hạ tầng số, toàn quốc có thêm khoảng 687.000 hộ gia đình sử dụng internet cáp quang băng rộng so với cuối năm 2023, nâng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang băng rộng đạt 82,2% (tăng 2,6% so với cuối năm 2023 là 79,6%); Toàn quốc có thêm trên 3,8 triệu thuê bao sử dụng điện thoại thông minh, nâng tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 84% (tăng 3,2% so với cuối năm 2023 là 80,8%).
Việt Nam có thêm 1 Trung tâm dữ liệu hiện đại, lớn nhất cả nước của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) với công suất 30 MW. Tỷ lệ chuyển đổi sử dụng IPv6 Việt Nam đạt 60% (tăng 1% so với cuối năm 2023), đứng thứ 8 toàn cầu (tăng 1 bậc so với năm 2023).
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai
Đề án 06 được xác định là nhiệm vụ then chốt
Hội nghị cũng đã đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm 2024 triển khai Đề án 06. Theo đó, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã cung cấp hơn 4.500 dịch vụ công trực tuyến; có 16,39 triệu tài khoản, 328 triệu hồ sơ đồng bộ, 28,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền 14.528 tỷ đồng. Hiện đã có 63/63 địa phương tham mưu với HĐND cấp tỉnh ban hành Nghị quyết miễn giảm phí, lệ phí.
Việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và thu thuế khoán hộ kinh doanh với 65.786 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký sử dụng, tăng 28.244 doanh nghiệp, hộ kinh doanh so với tháng 12/2023; số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền sử dụng là 489,6 triệu hóa đơn, tăng 416,8 triệu hóa đơn so với tháng 12/2023.
Việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh, 63/63 địa phương thực hiện chi trả qua tài khoản cho 1.960.749 người với số tiền trên 8.280 tỷ đồng, tăng trên 7.000 tỷ đồng so với tháng 12/2023; 72% số người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, tăng 8% so với năm 2023, vượt 12% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao; 100% cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chíp với hơn 95,3 triệu lượt tra cứu thông tin, giảm thời gian tiếp đón xuống 12 lần, bước đầu tiên triển khai ki ốt khám chữa bệnh tại các bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội; triển khai phần mềm lưu trú tại 93.388 cơ sở lưu trú triển khai, với 8.778.722 lượt thông báo. Giúp các cơ sở kinh doanh lưu trú quản lý hoạt động kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh trật tự;…
Bộ Công an đã thu nhận trên 75,7 triệu hồ sơ định danh điện tử, tăng 5,5 triệu tài khoản so với tháng 12/2023, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao trên 35 triệu tài khoản trước 1 năm, kích hoạt trên 55,25 triệu tài khoản định danh điện tử, đạt 72,98%;…
Tham luận tại Hội nghị, các đại biểu đã phân tích, đánh giá kết quả đạt được, nhận diện những tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc trong chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06. Các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm, bài học của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương mình trong quá trình triển khai thực hiện; đồng thời đề xuất giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả thực hiện chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận nỗ lực của các đơn vị trong thực hiện các nội dung chuyển đổi số, đồng thời cũng nghiêm khắc phê bình các đơn vị bộ ngành, địa phương còn chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ. Công tác chuyển đổi số quốc gia cũng còn tồn tại nhiều hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng thể chế, an toàn an ninh thông tin, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nguồn nhân lực hạn chế.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, “chuyển đổi số đã đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người". Nhiệm vụ quan trọng hiện nay của chúng ta phải thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, các cấp, các ngành, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy các động lực tăng trưởng cũ, khai phá các động lực tăng trưởng mới, các ngành mới nổi…. Trong đó, Đề án 06 được xác định là nhiệm vụ then chốt, quan trọng và là một trong những điểm sáng, mô hình hay của chuyển đổi số quốc gia. Chuyển đổi số góp phần truyền cảm hứng và tạo động lực phát triển mới.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong 6 tháng cuối năm 2024, tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu của bộ ngành, địa phương, chia sẻ, kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành trực tiếp tổ chức, thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, phát huy vai trò lãnh chỉ đạo của người đứng đầu. Các bộ ngành, địa phương khẩn trương ban hành kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương… Đồng thời, phải có sự phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, thực hiện dứt việc, không dàn trải, cần huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị cũng như sự tham gia tích cực của toàn dân, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu thụ hưởng kết quả từ chuyển đổi số quốc gia.
https://laocai.gov.vn/chuyen-doi-so/chuyen-doi-so-da-den-tung-ngo-go-tung-nha-ra-tung-nguoi-1276735