Quang cảnh hội nghị.
Dự hội nghị, về phía Bộ Thông tin và Truyền thông có Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng; lãnh đạo Cục chuyển đổi số Quốc gia, Cục An toàn thông tin, Cục Viễn thông; Vụ Kinh tế số - Xã hội số cùng các bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ có liên quan.
Về phía tỉnh Lào Cai có đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh; Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, cùng các đơn vị kinh doanh dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn tỉnh.
10 kết quả nổi bật về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Vũ Hùng Dũng đã báo cáo tóm tắt kết quả triển khai chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến tháng 4/2023.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Vũ Hùng Dũng phát biểu tại hội nghị.
Thời gian qua, Lào Cai đã tổ chức nhiều hội nghị về chuyển đổi số, phổ biến Nghị quyết 20-NQ/TU đối với 3 cấp (tỉnh, huyện, xã), với gần 10.000 lượt người tham gia; tổ chức nhiều buổi tập huấn, học tập về chuyển đổi số cho địa phương cấp xã trên nền tảng trực tuyến của Bộ TT&TT cho 750 học viên là các cán bộ lãnh đạo các xã trên địa bàn tỉnh; tổ chức đào tạo tập huấn về an toàn thông tin và chuẩn kỹ năng công nghệ thông tin cho gần 100 cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về CNTT, ATTT trên địa bàn tỉnh; đào tạo chuẩn kỹ năng ứng dụng CNTT cho trên 1.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tổ chức 07 cuộc thi trắc nghiệm trên internet, thu hút 5,8 triệu lượt người tham gia.
Xây dựng và đưa vào hoạt động từ ngày 01/7/2022 Cổng chuyển đổi số của tỉnh tại địa chỉ https://chuyendoiso.laocai.gov.vn, hiện đã thu hút được 361.914 lượt truy cập
Thực hiện xây dựng thể chế, chính sách, đảm bảo nguồn lực cho chuyển đổi số, Lào Cai có những định hướng cụ thể, như: ban hành nhiều chính sách thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có nhân lực lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số; phê duyệt danh mục sản phẩm đặc trưng chuyển đổi số tỉnh Lào Cai, chiến lược dữ liệu tỉnh Lào Cai, kế hoạch thực hiện chuyển đổi số và cải thiện chỉ số DTI… Lào Cai là tỉnh đầu tiên thực hiện đồng bộ việc đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công cho cả 3/3 đơn vị sự nghiệp trong ngành, cả 3 đơn vị đều đã tự chủ 100% chi thường xuyên.
Về phát triển hạ tầng số, nền tảng số, hiện trạng hạ tầng và khả năng đáp ứng dịch vụ viễn thông, internet ngày càng được nâng cao đến từng thôn, tổ, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh. Hiện, toàn tỉnh có 1.548/1.562 thôn, tổ dân phố (tương đương 99%) được phủ sóng tại khu vực trung tâm, các khu vực tập trung dân cư; 1.525/1.562 thôn, tổ dân phố (đạt 97,6%) có hạ tầng đảm bảo việc cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng di động (3G, 4G); Có 1.292/1.562 thôn, tổ dân phố (82,7%) có hạ tầng đảm bảo việc cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định (cáp quang). Còn 270 thôn chưa có hạ tầng đáp ứng việc cung cấp dịch vụ; Có 100.328/171.984 (đạt 58%) hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng; Triển khai 05 trạm BTS 5G tại thị xã Sa Pa và khu trung tâm hành chính của tỉnh, phục vụ việc trải nghiệm dịch vụ mới của người dân, du khách và các cơ quan quản lý nhà nước; Triển khai 15/15 điểm phát sóng Wifi công cộng phục vụ du khách và nhân dân trên địa bàn thành phố Lào Cai và thị xã Sa Pa;… Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đang thử nghiệm Cổng dịch vụ công cửa khẩu quốc tế để triển khai cửa khẩu số cho Cửa khẩu quốc tế.
Tỉnh Lào Cai đứng thứ 3/63 tỉnh có số giao dịch cao nhất qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) trong năm 2022 và đứng thứ 2/63 tính đến ngày 21/3/2023.
Đối với nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) tiếp tục phát triển và đưa vào khai thác, sử dụng, triển khai tích hợp 29 ứng dụng kết nối liên thông các hệ thống thông tin CSDL quốc gia về dân cư, đất đai, tài chính, tư pháp, xây dựng, doanh nghiệp, BHXH,… và các nền tảng thanh toán điện tử, Cổng dịch vụ công quốc gia qua nền tảng NDXP, VDXP của quốc gia;…
Về xây dựng chính quyền số và phát triển đô thị thông minh, Lào Cai giữ vị trí thứ 11 trong bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2022 (Par Index) và đứng thứ 9 trong bảng xếp hạng về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS).
Lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai chia sẻ về cửa khẩu số.
Với nội dung phát triển kinh tế số, xã hội số, Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp, Cổng Du lịch thông minh, dịch vụ công Cửa khẩu, các phần mềm phản ánh hiện trường, tiện ích được đưa vào hoạt động nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức; nhiều sản phẩm hàng hóa được đưa lên các sàn thương mại điện tử; việc thanh toán trực tuyến được đẩy mạnh…
Việc đảm bảo an toàn dữ liệu, thông tin và an ninh mạng cũng luôn được tỉnh Lào Cai quan tâm thực hiện, triển khai đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ và mô hình 4 lớp. Đã phê duyệt an toàn cấp độ được 60/132 hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh; thực hiện kết nối chia sẻ dữ liệu với Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - NCSC từ tháng 7/2020 đến nay. Chỉ trong quý 1/2023, đã ngăn chặn được gần 7.000 lượt tấn công mạng, ngăn chặn trên 34 triệu thư rác, thư chứa mã độc… việc ứng cứu sự cố cũng được thực hiện kịp thời.
Trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án 08-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh, các yêu cầu, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2023, tỉnh Lào Cai đặt ra 30 mục tiêu trọng tâm. Tính đến nay, so với kế hoạch, có 10 chỉ tiêu đã hoàn thành và vượt; 6 chỉ tiêu hoàn thành trên 70%; 7 chỉ tiêu đạt trên 50%; 7 chỉ tiêu thực hiện được dưới 50%.
Cùng đồng hành khắc phục từng khó khăn
Tại hội nghị, các sở, ngành, địa phương đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc cụ thể trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Các nội dung liên quan đến hạ tầng, nền tảng số, đảm bảo an ninh thông tin, dịch vụ viễn thông, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, thương mại... được nhiều đại biểu quan tâm.
Chuyển đổi số tại Lào Cai còn gặp một số vướng mắc, định hướng cụ thể chưa được rõ nét; các cơ quan đơn vị, địa phương trong tỉnh còn lúng túng với việc đề xuất các bài toán, dự án, nhiệm vụ về chuyển đổi số; hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, nguồn nhân lực, an toàn thông tin còn thiếu và yếu; thể chế về quản lý đầu tư cho chuyển đổi số chưa đầy đủ, chưa theo kịp được sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chuyển đổi số nói riêng.
Lãnh đạo Cục An toàn thông tin giải đáp một số nội dung liên quan đến an toàn thông tin.
Qua trao đổi, thảo luận, tỉnh Lào Cai nhận được những chia sẻ về kinh nghiệm và giải đáp các thắc mắc, kiến nghị liên quan đến các nội dung chuyển đổi số từ các chuyên gia chuyển đổi số thuộc Vụ, Cục của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Làm chuyển đổi số quan trọng nhất là phải thực chất, không hình thức
Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá cao về chất lượng các nội dung được chia sẻ, giải đáp vướng mắc của các chuyên gia chuyển đổi số thuộc các Vụ, Cục của Bộ Thông tin và Truyền thông tại hội nghị hôm nay. Đồng chí nhấn mạnh làm công tác chuyển đổi số quan trọng nhất là phải thực chất, không hình thức.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Chuyển đổi số được xác định là nhiệm vụ quan trọng được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm. Năm 2023, tỉnh Lào Cai xác định là năm tăng tốc, bứt phá, khơi thông và tạo thêm các động lực cho tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy cải cách hành chính. Để đạt được mục tiêu đó, Lào Cai sẽ nỗ lực nâng cao nhận thức cho đội ngũ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh, có những định hướng rõ nét hơn về lộ trình chuyển đổi số. Cùng với đó, Lào Cai tiếp thu những ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm từ các đồng chí chuyên gia về chuyển đổi số, để từ đó giải quyết được những khó khăn, vướng mắc cụ thể trong quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh hiện nay. Lào Cai đặt ra những mục tiêu cụ thể trong thời gian tới: tiếp tục xây dựng thể chế, chính sách, đảm bảo nguồn lực, tăng cường công tác quản lý; phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số; xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong đó, tiên phong triển khai chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động của bệnh viện và triển khai Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp nhằm theo dõi, giám sát quá trình thực hiện từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, tổ chức thực hiện dự án, cho đến việc tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp…
Đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao những kết quả Lào Cai đã đạt được, đồng thời khẳng định tỉnh có những quyết tâm cao trong thực hiện chuyển đổi số.
Thứ trưởng nhấn mạnh: Để hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải trong triển khai thực hiện chuyển đổi số tại một số lĩnh vực, ngành trên địa bàn tỉnh, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với tỉnh Lào Cai, thành lập nhóm công tác chung, có thành viên là Thường trực của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ lên làm việc tại Lào Cai để hỗ trợ trực tiếp.
Với 24 kiến nghị, đề xuất tại hội nghị, đồng chí Thứ trưởng cam kết trong năm 2023 sẽ nỗ lực giải quyết được từng khó khăn, có những hướng dẫn cụ thể để cùng tỉnh rút kinh nghiệm, qua đó góp phần thực hiện tốt hơn công tác chuyển đổi số tại Lào Cai và các địa phương khác trên cả nước. Thứ trưởng đồng ý xây dựng mô hình chuyển đổi số xã điểm, huyện điểm tại tỉnh Lào Cai.
Lãnh đạo tỉnh Lào Cai tặng biểu trưng lưu niệm của tỉnh Lào Cai cho Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Phát biểu cảm ơn đồng chí Thứ Trưởng và đoàn công tác đã đến thăm và có buổi làm việc với tỉnh Lào Cai, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy mong muốn thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh Lào Cai là tỉnh tiên phong, đi trước làm tốt các nội dung về chuyển đổi số. Đồng thời khẳng định, Lào Cai quyết tâm đạt được kỳ vọng mới trong nhiệm kỳ này./.
Quỳnh Hoa