Phát huy vai trò tiên phong của đoàn viên, thanh niên Lào Cai trong chuyển đổi số
Tỉnh đoàn Lào Cai xác định: Phát huy vai trò nòng cốt của Đoàn Thanh niên đi đầu trong chuyển đổi số, phấn đấu đưa tỉnh Lào Cai nằm trong tốp 15 tỉnh đứng đầu của cả nước về xã hội số. Với mục tiêu xuyên suốt đó, trong năm 2023, Tỉnh đoàn Lào Cai sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát huy vai trò tiên phong của đoàn viên, thanh niên trong chuyển đổi số và cải thiện chỉ số DTI tỉnh Lào Cai.
Tập huấn chuyển đổi số cho cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên trên địa bàn thành phố Lào Cai
Nâng cao năng lực số cho đoàn viên thanh niên
Năm 2023, Tỉnh đoàn Lào Cai đặt mục tiêu nâng cao năng lực số nhằm hỗ trợ đoàn viên, thanh, thiếu niên trong tỉnh nâng cao nhận thức, thái độ; trang bị kiến thức, kỹ năng phục vụ giao tiếp xã hội, học tập, nghiên cứu, giải trí, làm việc, khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ trong tương lai của tỉnh, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Bám sát Đề án “Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên Lào Cai giai đoạn 2022 - 2030”, năm 2023, năng lực số cho đoàn viên thanh niên được Tỉnh đoàn xác định với 5 nhóm mục tiêu chính, đó là: Thành lập và duy trì 20 đội hình thanh niên nòng cốt trong tuyên truyền, tập huấn kiến thức về chuyển đổi số; 100% Tổ công nghệ số cộng đồng các cấp lấy lực lượng cán bộ, đoàn viên, thanh niên làm nòng cốt. 100% Đoàn cấp huyện tổ chức ít nhất 02 hoạt động nâng cao năng lực số và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại; tập huấn kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại cho 100% thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng và cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên. Hỗ trợ, hướng dẫn ít nhất 10% ĐVTN có sản phẩm đặc trưng của tỉnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Tối thiểu 60% thanh niên sử dụng dịch vụ công trực tuyến, 80% thanh niên sử dụng tài khoản thanh toán điện tử. Tỉnh đoàn và 100% các huyện, thị, thành đoàn và Đoàn trực thuộc sử dụng các phần mềm ứng dụng phục vụ điều hành, tác nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đánh giá chất lượng đoàn viên.
Với những mục tiêu đề ra, hoạt động chuyển đổi số trong thanh thiếu kỳ vọng sẽ đem lại nhiều kết quả trọng tâm, góp phần hình thành những công dân số, thúc đẩy xã hội số.
Triển khai các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy thực hiện xã hội số, kinh tế số
Xác định Đoàn Thanh niên đóng vai trò là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong nâng cao năng lực số cho thanh, thiếu niên, nâng cao năng lực số phải là giải pháp bao trùm, xuyên suốt trong công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu niên giai đoạn 2022 – 2030, trong năm 2023, Tỉnh đoàn Lào Cai sẽ triển khai 04 nhóm giải pháp trọng tâm, đó là: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, năng lực số và vai trò của tổ chức đoàn trong chuyển đổi số; Tổ chức các hoạt động phát huy vai trò nòng cốt, đi đầu của các cấp bộ đoàn trong chuyển đổi số, tham gia thúc đẩy thực hiện xã hội số; Tham gia đầu tư, nâng cấp hạ tầng số, thiết bị số; Tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên.
Đoàn viên thanh niên là lực lượng xung kích trong các hoạt động chuyển đổi số
Để triển khai các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy thực hiện xã hội số, kinh tế số, Tỉnh đoàn sẽ thành lập và phát huy vai trò của Tổ chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số của thanh niên. Lựa chọn cán bộ, đoàn viên, thanh niên tiêu biểu, có trình độ về công nghệ thông tin tham gia 100% Tổ công nghệ số cộng đồng các cấp; phát huy vai trò nòng cốt, đi đầu của đoàn viên, thanh niên trong tham gia Tổ công nghệ số cộng đồng. Tổ chức các đội hình trí thức trẻ, sinh viên tình nguyện có chuyên môn hướng dẫn kỹ năng sử dụng máy tính, ứng dụng phần mềm, khai thác internet, mạng xã hội an toàn, hiệu quả cho người dân, thanh, thiếu niên vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các hoạt động nâng cao năng lực số cho đoàn viên thanh niên được chú trọng triển khai như ứng dụng công nghệ trong tuyên truyền, triển khai và tổ chức các hoạt động thúc đẩy phong trào “Học sinh 3 tốt”, “Học sinh 3 rèn luyện” và “Sinh viên 5 tốt”. Tổ chức Cuộc thi ứng dụng công nghệ; tổ chức các sân chơi, mô hình mới có tính dẫn dắt xu hướng công nghệ dành cho thanh thiếu niên; tổ chức Cuộc thi “Ý tưởng chuyển đổi số trong thanh, thiếu niên”. Phát triển các câu lạc bộ sáng tạo, các mô hình “không gian số”, “không gian sáng tạo”, “không gian công nghệ”... trong các nhà trường nhằm tạo điều kiện để thanh, thiếu niên có môi trường thuận lợi sáng tạo và chia sẻ kinh nghiệm sáng tạo trên nền tảng công nghệ. Tăng cường phối hợp triển khai các khóa học, các hoạt động trải nghiệm áp dụng mô hình giáo dục STEM, STEAM, STEAME trong thanh, thiếu niên.
Tổ chức hoạt động hỗ trợ thanh niên hình thành, phát triển các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ. Nâng cao năng lực kết nối chuỗi tri thức: từ ý tưởng, nghiên cứu, phát triển đến thương mại hóa các sản phẩm sáng tạo, công nghệ mới. Quan tâm bồi dưỡng nhận thức, kiến thức, kỹ năng về thương mại điện tử, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại cho thanh niên thông qua các hoạt động như: Tư vấn định hướng nghề nghiệp liên quan đến thương mại điện tử; đào tạo nhân lực thương mại điện tử; xây dựng công cụ học tập, thực hành thương mại điện tử... Ứng dụng giải pháp công nghệ số hóa các danh lam, thắng cảnh để phát triển du lịch; chuẩn hóa nội dung số kết hợp công nghệ để giới thiệu điểm đến, các tour tuyến du lịch, sản phẩm, dịch vụ du lịch của tỉnh và phát triển ứng dụng thuyết minh du lịch tự động qua thiết bị di động thông minh. Nâng cao năng lực số, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại của thanh niên là chủ các mô hình kinh tế nông nghiệp, doanh nghiệp ngành truyền thống, doanh nghiệp sản xuất; hỗ trợ tiếp cận thông tin về môi trường, quy hoạch, công nghệ, đất đai, cây trồng, vật nuôi, thị trường... qua các nền tảng số để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; hỗ trợ phát triển nông nghiệp thông minh; ứng dụng công nghệ để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giảm sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm; hỗ trợ ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử kết nối, quảng bá, tiêu thụ nông sản trên các nền tảng số. Tham gia phát triển nguồn nhân lực có chất lượng trong lĩnh vực thương mại điện tử. Tổ chức đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho đối tượng thanh niên bị ảnh hưởng dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phối hợp với tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo lại về CNTT cho thanh niên là công nhân trong các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp.
Với nhiều hoạt động sáng tạo, tuổi trẻ Lào Cai đã và đang là lực lượng tiên phong trong chương trình chuyển đổi số tại địa phương, góp phần mang lại lợi ích thiết thực cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Thu Hương