Lào Cai triển khai chuyển đổi số cho truyền thanh cơ sở

Truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT) hay còn gọi là truyền thanh thông minh là xu thế tất yếu gắn liền với lộ trình xây dựng chính quyền số, xây dựng chính quyền thông minh. Lào Cai đã và đang tích cực triển khai truyền thanh thông minh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở.

Nhờ có hệ thống loa của đài truyền thanh cơ sở, người dân có thể nắm được thông tin thời sự quốc tế, trong nước, địa phương; tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ khoa học kỹ thuật, thông tin hữu ích về các lĩnh vực của đời sống xã hội; thông tin cảnh báo, thông báo của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng…, hệ thống loa truyền thanh cơ sở đã tuyên truyền kịp thời đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, phát đi nhiều thông tin góp phần thúc đẩy phát triển  kinh  tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, hỗ trợ đắc lực cho công tác phòng chống dịch bệnh, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo đảm an ninh, quốc phòng v.v...

Hiện nay, truyền thanh thông minh đang là giải pháp đột phá về chuyển đổi số (CĐS) của hệ thống đài truyền thanh cơ sở. Truyền thanh thông minh sử dụng công nghệ IP để truyền và nhận bản tin qua mạng internet, không còn tình trạng bị chèn sóng, lẫn sóng hay chất lượng âm thanh kém. Đặc biệt, nhờ tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), phần mềm truyền thanh thông minh có thể tự động nhận dạng và chuyển văn bản sang giọng nói, chuyển tệp tin âm thanh để phát ra hệ thống loa mà không cần phát thanh viên thu âm. Một điểm quan trọng là hệ thống truyền thanh thông minh được điều khiển hoàn toàn trên máy tính, thiết bị di động, giúp lưu trữ và quản lý tốt các nội dung phát sóng. Có thể nói, truyền thanh thông minh khắc phục được những nhược điểm, hạn chế của truyền thanh hữu tuyến (có dây) và truyền thanh vô tuyến (không dây) FM với những lợi thế vượt trội do ứng dụng công nghệ mới.

Năm 2023, tỉnh Lào Cai đã đầu tư truyền thanh thông minh cho 15 xã khu vực III thuộc 5 huyện/thị xã trên địa bàn tỉnh với 256 cụm loa truyền thanh thông minh, gồm: xã Tả Van, xã Ngũ Chỉ Sơn (Thị xã Sa Pa); xã Nậm  Chảy, xã Lùng  Khấu  Nhin, xã Nậm Lư, xã Cao Sơn (huyện Mường Khương); xã Cốc Ly, xã Thải Giàng Phố, xã Tả Van Chư (huyện Bắc Hà); xã Nậm Xây; xã Dần Thàng, xã Thẩm Dương, xã Sơn Thủy (huyện Văn Bàn); xã Tòng Sành; xã Cốc Mỳ (huyện Bát Xát).

 
anh tin bai

Bàn giao cụm loa truyền thanh thông minh tại huyện Văn Bàn. (Ảnh: Khắc Chiến)

So với hệ thống đài truyền thanh hữu tuyến trước kia thì truyền thanh thông minh có nhiều ưu điểm vượt trội như: Không cần dây dẫn, gọn nhẹ, dễ điều khiển vận hành thiết bị, chất lượng âm thanh rõ ràng. Việc tạo lập, kiểm soát, thu âm phát thanh từng bản tin trở nên dễ dàng, nhanh chóng. Qua đó, giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực, công sức trong vận hành.

Giảm nhân lực, tăng tương tác

Truyền thanh thông minh sẽ góp phần giúp người dân dễ dàng tương tác với chính quyền. Đồng thời, chính quyền giải được bài toán khó về nhân lực. Tuy nhiên, mô hình này đòi hỏi người làm truyền thanh phải thay đổi tư duy, trình độ để đáp ứng công việc, phù hợp xu thế phát triển tất yếu của xã hội số.

 
anh tin bai

Kiểm tra cụm loa truyền thanh thông minh tại xã Tả Van (Sa Pa).

Hiện tỉnh Lào Cai hiện có 152 đài truyền thanh cấp xã với gần 2.500 cụm loa FM, trong đó, có khoảng 353 cụm loa truyền thanh thông minh.

Chỉ cần 1 chiếc máy tính kết nối internet, vài thao tác đơn giản là cán bộ vận hành Đài Truyền thanh cấp xã có thể cài đặt lịch phát tự động cho đài truyền thông minh tại cơ sở.

Việc đầu tư loa truyền thanh thông minh là giải pháp chuyển đổi số tối ưu cho các đài truyền thanh cơ sở, đảm bảo thông tin luôn được thông suốt, phát thanh trên diện rộng, kịp thời. Qua đó, làm tăng hiệu quả công tác truyền thông, thông tin tuyên truyền ở cơ sở và bắt kịp xu thế phát triển của thời đại 4.0. Truyền thanh thông minh cũng đang dần thay thế truyền thanh có dây và truyền thanh không dây FM truyền thống, vốn đã hoàn thành sứ mệnh của mình.

Bên cạnh đó, loa truyền thanh thông minh còn hỗ trợ kết nối đa dạng: WiFi, 4G, Ethernet. Nguồn phát thông tin đa dạng: tệp tin, microphone, thiết bị số hóa, văn bản, tiếp sóng. Đồng thời, hệ thống còn có ứng dụng cài trên thiết bị di động cho phép quản lý và điều khiển toàn bộ hệ thống truyền thanh ở mọi lúc, mọi nơi. Ứng dụng này cũng cho phép quản lý toàn bộ các chức năng của hệ thống truyền thanh; thực hiện phát thanh trực tiếp từ điện thoại trong trường hợp khẩn cấp, không cần phải đến tận phòng thu; cho phép chuyển dữ liệu nội dung văn bản sang giọng nói trực tiếp (MC ảo) nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo…

Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu chuyển đổi 60% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được chuyển đổi sang truyền thanh thông minh. Năm 2024, Lào Cai dự kiến triển khai hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh để quản lý tập trung và cung cấp thông tin thiết yếu cho hệ thống thông tin cơ sở./.

Lâm Tú

 

image

image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập