Đi đầu trong tuyên truyền xây dựng nông thôn mới

Không chỉ tuyên truyền kết quả, những cách làm hay và sáng tạo, Báo Lào Cai còn chủ động đi trước, kịp thời phát hiện, phản ánh những bất cập nảy sinh, mang tính dự báo trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Năm 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai trên địa bàn tỉnh tròn 10 năm. Thời điểm đó, trên nền tảng những thành công đạt được, cả tỉnh tràn đầy khí thế bước vào xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo với những mục tiêu đặt ra cao hơn mà dường như không nhận thấy một số tiêu chí trong Bộ Tiêu chí về xây dựng nông thôn mới dần bộc lộ nhiều điểm không còn phù hợp. Nói một cách hình ảnh, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã khoác lên nông thôn Lào Cai chiếc áo mới, thế nhưng sau 10 năm triển khai, tại nhiều xã, chiếc áo này ngày càng chật.

3.jpg

Phát hiện vấn đề này, Ban Biên tập Báo Lào Cai đã cử nhóm phóng viên đi tìm hiểu thực tế, đến nhiều xã vùng cao và vùng thấp, cả xã “về đích” nông thôn mới đầu tiên. Qua trao đổi, cùng phân tích, đánh giá, chúng tôi nhận thấy các tiêu chí nông thôn mới mà các xã đạt được hầu như ở mức tối thiểu và phù hợp với thời điểm, chưa mang tính lâu dài, dẫn đến không theo kịp sự phát triển, thay đổi trong thực tế.

Trên cơ sở đó, chúng tôi đã báo cáo Ban Biên tập triển khai loạt bài: “Khi “chiếc áo” nông thôn mới đã chật”. Loạt bài đưa ra những minh chứng cụ thể, thuyết phục, mang tính thực tế cao về những khó khăn, thách thức của những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, đó là “chật” đường, “chật” nhà văn hóa.

Thực tế khi bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới, không chỉ với người dân nông thôn mà cả cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, do nguồn lực có hạn nên các tuyến đường đất được đổ bê tông với chiều rộng mặt đường 3 m, chiều rộng nền đường 4 m ở thời điểm ấy là quá tốt, thậm chí còn được coi là kỳ tích. Tuy nhiên chỉ sau 5 năm, các tuyến đường này trở nên quá hẹp, bởi tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn trong tỉnh diễn ra quá nhanh, lượng phương tiện ở các thôn, bản tăng chóng mặt. Thành ra, nhiều tuyến đường thường xuyên ách tắc, nhất là khi hai xe tô đi ngược chiều gặp nhau, chỉ có mỗi cách là xe này tiến thì xe kia lùi và đến khi nào tìm được điểm tránh thì thôi, nếu không nhường nhau thì sẽ rơi vào cảnh “hai con dê qua cầu”.

2.jpg
Chuyên mục Nông thôn mới được duy trì và cập nhật nội dung, thông tin thường xuyên trên Báo Lào Cai điện tử.

Không chỉ “chật” đường, mà các xã nông thôn mới cũng phải đối mặt với “chật” nhà văn hóa. Những năm đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các nhà văn hóa thôn, bản được đầu tư xây dựng với quy mô phù hợp nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của một thôn, bản. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố, hầu hết nhà văn hóa đã được đầu tư xây dựng trở nên chật chội, dẫn đến khi họp thôn, bản, người đến muộn đành ngồi ngoài sân.

Từ thực tế đó, bài viết đã kiến nghị các địa phương đang xây dựng nông thôn mới cần đánh giá lại, có thể một số tiêu chí, nhất là giao thông, nhà văn hóa cần vượt qua “khuôn mẫu” để tránh chiếc áo nông thôn mới vừa may đã chật. Niềm vui lớn đến với chúng tôi đó là qua bài báo, cấp ủy đảng và chính quyền địa phương biết được thực tế và đã kiến nghị với tỉnh. Cuối năm 2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 22 về quy định chính sách đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới và lập quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh. Ngày 17/2/2022, UBND tỉnh có Văn bản 593 về việc thống nhất giao danh mục chuẩn bị đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu cho cơ sở giai đoạn 2022 - 2025, trong đó có có yêu cầu: Đối với các công trình đường giao thông nông thôn khởi công mới từ năm 2022 phải đảm bảo nền đường rộng tối thiểu 6 m (trừ những nguyên nhân khách quan)…
4.jpg

Hoặc vào tháng 10/2021, phóng viên Báo Lào Cai phát hiện trong một thời gian ngắn, có rất nhiều học sinh (có thời điểm lên tới 80 học sinh) Trường Tiểu học và THCS xã A Mú Sung (huyện Bát Xát) nghỉ học. Chúng tôi quyết định đến các gia đình, làm việc với nhà trường và cấp ủy đảng, chính quyền địa phương để có được thông tin chính xác. Bài báo “Phía sau câu chuyện 80 học sinh xã A Mú Sung đồng loạt nghỉ học” sau khi đăng tải trên Báo Lào Cai điện tử đã nhận được sự quan tâm của dư luận và các cơ quan chức năng của tỉnh, của huyện đã vào cuộc.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh khẳng định: Những bài viết về nông thôn mới trên các ấn phẩm của Báo Lào Cai đã phản ánh cụ thể, chân thực, sâu sắc những bất cập, hạn chế, khó khăn cũng như những vấn đề phát sinh trong xây dựng nông thôn mới tại cơ sở.

Đơn cử như bài báo “Phía sau câu chuyện 80 học sinh xã A Mú Sung đồng loạt nghỉ học” đã kịp thời phản ánh những khăn do tác động của Quyết định 861 ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, qua đó giúp cán bộ và Nhân dân một số địa phương hiểu rõ, hiểu đúng về chính sách. Đặc biệt, từ những thông tin này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, đánh giá mức độ tác động của chính sách. HĐND tỉnh đã kịp thời ban hành nghị quyết hỗ trợ các đối tượng chịu tác động của Quyết định 861.

“Báo Lào Cai đã phát huy tốt vai trò cơ quan truyền thông chủ lực của tỉnh, đi trước, phản ánh kịp thời, đặc biệt có nhiều bài viết mang tính phản biện, đóng góp vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh”, ông Nguyễn Trung Kiên cho biết.

https://baolaocai.vn/di-dau-trong-tuyen-truyen-xay-dung-nong-thon-moi-post367084.html

Theo Thanh Nam - Khánh Ly/LCĐT

image

image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập