Lào Cai nhân rộng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp
Thực hiện Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020, Lào Cai là một trong 12 tỉnh (Lào Cai, Sơn La, Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Bình Thuận, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp) được chọn để triển khai xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp. Sau một thời gian triển khai thực hiện, nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản được hình thành, góp phần nâng cao giá trị nông sản, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho hộ nông dân được thuận lợi, đem lại giá trị kinh tế cao, khuyến khích được thành viên hợp tác xã và nông dân tham gia liên kết.

Những kết quả tích cực về mặt kinh tế – xã hội

Thực hiện Đề án, bắt đầu từ năm 2011, Lào Cai đã triển khai thí điểm hai mô hình: Doanh nghiệp- Hợp tác xã– Nông dân và Doanh nghiệp – Hộ kinh doanh – Nông dân tại các địa phương trong tỉnh. Kết quả bước đầu của việc xây dựng mô hình thí điểm đã tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, kiểm soát được việc sản xuất an toàn phục vụ cho người tiêu dùng, góp phần tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, nâng cao thu nhập cho người dân.

Điển hình là mô hình Doanh nghiệp- Hợp tác xã– Nông dân được gắn kết thông qua hợp đồng tiêu thụ. Đến nay, hợp tác xã Quý Hiền tại huyện Bảo Thắng đã liên kết cung ứng gần 40.000 tấn thức ăn, trên 5 triệu con giống, gần 30 tỷ tiền thuốc thú y và thu mua tiêu thụ gần 30.000 tấn gia súc, gia cầm. Với cách làm linh hoạt, sáng tạo, chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị chăn nuôi khác nên mô hình này đang là hình mẫu về mô hình tiêu thụ gắn với vật tư nông nghiệp. Hiện hợp tác xã đã liên kết phát triển thêm lĩnh vực chăn nuôi gia súc (lợn) và đang nghiên cứu phát triển chăn nuôi bò để làm nguồn cung ứng thực phẩm trên địa bàn.

Mô hình Doanh nghiệp – Hộ kinh doanh – Nông dân được triển khai tại hộ kinh doanh Vương Văn Tân (huyện Sa Pa). Do khó khăn về vốn, nguồn nhân lực, hộ kinh doanh Vương Văn Tân đã tham gia vào xã viên hợp tác xã Hoa Đào để góp vốn, đất đai cùng hợp tác sản xuất, kinh doanh. Đến nay, hợp tác xã Hoa Đào đã cung ứng trên 1.000 tấn rau giống, 350 tấn phân bón các loại, thu mua tiêu thụ trên 15.000 tấn rau xanh các loại. Địa bàn tiêu thụ chủ yếu là các chợ đầu mối và các bếp ăn tập thể của các nhà máy sản xuất công nghiệp lớn tại các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội,…

 

Mô hình trồng cây atiso ở Sa Pa (Ảnh: Cổng TTĐT huyện Sa Pa)

 

Phát huy thành công của hai mô hình thí điểm, hiện tỉnh đã nhân rộng nhiều mô hình tiêu thụ nông sản gắn với cung ứng vật tư nông nghiệp, đó là các hợp tác xã Hoa Đào, Song Kim, Trọng Tín, Mai Anh, Hoa Lợi, HTX kinh doanh tổng hợp Mường Khương; Công ty cổ phần nông nghiệp quốc tế An Việt, Công ty TNHH MTV Traphaco, công ty cổ phần Dược liệu Việt Nam, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Bắc Hà; Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bát Xát, công ty TNHH Haru. Các mô hình liên kết cung ứng vật tư và tiêu thụ các sản phẩm chủ lực là hoa tươi, rau xanh các loại, ớt, khoai tây, tỏi, các loại dược liệu,... Trong đó, điển hình là mô hình sản xuất Tỏi của hợp tác xã Mai Anh, triển khai tại Bát Xát, Bảo Thắng với năng suất bình quân 20 tấn/ha, giá trị canh tác đạt 250 triệu/ha. Mô hình liên kết sản xuất Ớt của Hợp tác xã Hoa Lợi triển khai tại Sa Pa, Bảo Thắng, Mường Khương, Bát Xát, Bắc Hà đạt 145 ha, sản lượng tiêu thụ khoảng 319 tấn. Mô hình sản xuất dược liệu triển khai tại Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà với giá trị canh tác 130 triệu đồng/ha. Mô hình tiêu thụ hoa tươi, rau xanh các loại của hợp tác xã Anh Đào (Sa Pa) đã thu mua ổn định mỗi năm sản lượng khoảng 10.000 tấn rau các loại và 50.000 bông hoa hồng, hoa ly, giá trị trung bình đạt 84 triệu đồng/ha, một số mô hình rau ứng dụng công nghệ cao đạt 150 triệu đồng/ha.
 

Các mô hình được triển khai đã giúp người nông dân yên tâm tham gia sản xuất, hỗ trợ nông dân giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp và cung ứng vật tư đầu vào phục vụ sản xuất với chất lượng bảo đảm, giá cả phù hợp; từ đó, tăng diện tích, tăng sản lượng nguyên liệu đầu vào, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, chất lượng nguồn sản phẩm nguyên liệu được kiểm soát. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, các mô hình liên kết này còn thành công về mặt xã hội khi làm chuyển biến nhận thức của nông dân, nông dân đã chủ động, tích cực học tập, tìm hiểu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các mô hình này đã tạo được việc làm ổn định và tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Tiếp tục nhân rộng mô hình

Để tiếp tục định hướng cho các hợp tác xã, chủ trang trại, hộ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất những hàng hóa thị trường có nhu cầu và tạo nguồn tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của bà con nông dân, phát triển các mối liên kết có hiệu quả theo hướng bền vững, góp phần đem lại lợi ích cho người nông dân, trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình liên kết, cụ thể: xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm Lê VH6 trên địa bàn huyện Bát Xát, Bắc Hà; chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm rau an toàn tại huyện Bảo Thắng; chuỗi sản xuất và tiêu thụ Dứa an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Bản Lầu (Mường Khương) và Bản Phiệt (Bảo Thắng); liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nước tắm của người Dao đỏ tại xã Liêm Phú (Văn Bàn); liên kết sản xuất, chế biến ớt Bắc Hà; sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gạo nếp Khẩu Tan Đón (nếp Thẳm Dương) an toàn tại xã Thẳm Dương (Văn Bàn); nhân rộng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ Nấm tại huyện Bảo Yên; nhân rộng mô hình trồng Cam V2, trồng lạc đỏ địa phương, chuỗi rau đặc sản bản địa (Bò Khai, Pác nam) tại xã Liêm Phú (Văn Bàn); nâng cao vị thế kinh tế của người phụ nữ thông qua thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp- chuỗi giá trị Quế.

Để triển khai hiệu quả các mô hình này, trong thời gian tới, Lào Cai sẽ tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu hàng nông sản, tiếp cận và đưa hàng nông sản vào kinh doanh ổn định. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất; tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp không chỉ trong mà cả ngoài tỉnh; phối kết hợp các chương trình như Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn để đẩy mạng tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến về kỹ thuật canh tác, pháp luật, giới thiệu các mô hình tiêu biểu, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về lợi ích chung trong việc thực hiện liên kết sản xuất – thu mua – chế biến - tiêu thụ nông sản... cho bà con, qua đó giúp nông dân tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống.


Thu Hương
image

image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập