Phát huy hiệu quả hệ thống truyền thanh ở cơ sở
Mặc dù hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng đang phát triển rất mạnh mẽ nhưng hệ thống Đài truyền thanh cơ sở với lợi thế kịp thời, tiện ích, ít tốn kém vẫn giữ một vị trí không thể thiếu trong công tác thông tin tuyên truyền ở cơ sở.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 164 Đài Truyền thanh xã và 2.155 cụm loa thôn, bản. Tỷ lệ người dân nghe được thông tin từ hệ thống truyền thanh ở cơ sở đạt 95%. Giai đoạn 2012 - 2018, Sở Thông tin và Truyền thông được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư, đã nâng cấp và đầu tư mới trạm truyền thanh cho 116/164 xã, phường, thị trấn, đảm bảo chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các khu dân cư cũng như phản ánh các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra trên địa bàn. Đây còn là công cụ hữu hiệu phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở.

Anh Nguyễn Văn Quỳnh đọc thông báo trên loa truyền thanh xã

Đã nhiều năm nay, anh Nguyễn Văn Quỳnh – cán bộ văn hóa xã Quang Kim huyện Bát Xát đã quen thuộc với công việc quản lý Đài Truyền thanh xã Quang Kim. Từ xây dựng chương trình phát thanh, đến việc vận hành Đài truyền thanh xã, tiếp sóng các chương trình của đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, Đài Phát thanh - Truyền hình Lào Cai và Đài tiếng nói Việt Nam đến việc thông báo tổ chức hoạt động tổng vệ sinh, các cuộc họp, triển khai các chủ trương của Đảng và chính sách mới của chính quyền các cấp. Thông qua hệ thống loa truyền thanh, thông tin được truyền tải đến người dân nhanh hơn, sự lan tỏa rộng hơn. Từ những thông tin nắm được, người dân tiếp thu và có thể phản hồi về vấn đề mà mình quan tâm.

Tại vùng cao, hệ thống loa truyền thanh cũng được vận hành và khai thác hiệu quả. Đơn cử như ở Nậm Trà (xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng), thôn vùng cao, giao thông chưa thuận lợi. Trước đây, để thông báo đến người dân về hoạt động chung như họp thôn, tổ chức dọn vệ sinh, chuẩn bị vụ mùa... cán bộ thôn phải đi gõ cửa từng nhà, bất kể nắng mưa để thông báo, thậm chí phải đi nhiều lần vì các hộ vắng nhà. Giờ đây, việc làm này đã được thay bằng hệ thống loa truyền thanh của thôn. Bí thư Chi bộ thôn Nậm Trà - Chảo Lá Lở cho rằng, ngoài việc đem đến cho người dân nhiều thông tin hữu ích, hệ thống cụm loa truyền thanh thôn, bản còn giúp các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân thuận lợi hơn. Cán bộ thôn giờ đây chỉ cần sử dụng hệ thống loa để truyền tải thông tin là đa số bà con nắm được, giúp tiết kiệm thời gian và công sức.

Hiện nay, đa số mạng truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh đã chuyển từ mạng có dây sang mạng không dây. Ưu điểm của hệ thống truyền thanh này là không cần hệ thống đường dây mà chỉ cần lắp đặt cụm thu ở bất cứ điểm nào trong phạm vi phủ sóng (với điều kiện có điện lưới để lắp đặt được hộp thu). Ngoài ra có thể phát triển hệ thống loa không cần phải tăng công suất máy phát trong phạm vi phủ sóng của máy phát hiện tại; điều khiển tắt, mở từ xa, chống được nhiễu từ các nguồn phát thanh FM khác... Tuy nhiên, hệ thống này đặc biệt nhạy cảm với sét, chỉ cần bị nhiễu sét ở một điểm nào đó là có thể gây hỏng hàng loạt cụm thu và máy phát; cán bộ quản lý khai thác phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật ở mức độ nhất định để vận hành và sửa chữa...

 Một khó khăn nữa cần nhắc đến trong vận hành hệ thống truyền thanh ở cơ sở, đó là cán bộ phụ trách đài truyền thanh cơ sở chủ yếu là cán bộ văn hóa xã kiêm nhiệm. Cụ thể, hiện có 160 cán bộ làm công tác vận hành, quản lý Đài truyền thanh cơ sở, trong đó 136 người làm kiêm nhiệm, 24 người làm chuyên trách. Do thiếu kiến thức chuyên môn nên đội ngũ này còn hạn chế về năng lực, kỹ thuật vận hành thiết bị, khả năng viết, biên tập tin, bài, xây dựng chương trình truyền thanh. Ngoài ra, phụ cấp đối với cán bộ Đài truyền thanh cấp xã còn thấp, ban biên tập xã hoạt động chưa thật sự hiệu quả do thiếu chuyên môn, chưa có kỹ năng khai thác thông tin...

 Tập huấn chuyên môn cho cán bộ thông tin và truyền thông trên địa bàn huyện Sa Pa

Để khắc phục khó khăn này, hằng năm, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông tỉnh mở lớp tập huấn cho cán bộ văn hóa phụ trách Đài truyền thanh, cụm loa thôn, bản. Trong 2 năm (2017 và 2018), Sở Thông tin và Truyền thông đã tập huấn cho 75 cán bộ quản lý Đài truyền thanh cấp xã, mở 9 lớp tập huấn cho 308 cán bộ phụ trách vận hành, quản lý cụm loa thôn, bản, tổ dân phố. Thông qua đó, các cán bộ được hướng dẫn xây dựng chương trình phát thanh tại địa phương; cách biên tập chương trình; cách vận hành cụm loa, sử dụng trang - thiết bị…

 Để nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ động xây dựng, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020; kế hoạch số 127 ngày 2/5/2017 về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh, giai đoạn  2017 - 2020, trong đó có phát triển hệ thống đài truyền thanh cơ sở.

 Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 83% xã, phường, thị trấn có Đài truyền thanh sử dụng tần số theo quy hoạch sử dụng kênh tần số phát thanh FM; 95% thôn, bản, tổ dân phố có cụm loa truyền thanh; nâng cấp thiết bị truyền thanh cho 3 đài truyền thanh - truyền hình huyện. Để làm được điều này, cần tiếp tục nâng cao chất lượng hệ thống truyền thanh cơ sở, mở rộng diện phủ sóng truyền thanh ở địa phương, rút ngắn khoảng cách thụ hưởng thông tin giữa các xã, phường, thị trấn; tăng tính đồng bộ về công nghệ truyền thanh. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở; tranh thủ tối đa nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn khác để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho hệ thống truyền thanh trên địa bàn...

Lâm Tú

image

image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập