Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho nhân dân
Trong những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Lào Cai được triển khai rộng khắp và được nhân dân hưởng ứng tích cực, mang lại những kết quả đáng khích lệ, góp phần tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho nhân dân, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.
Trước tiên, phải nói đến phong trào xây dựng gia đình văn hóa, với việc triển khai rộng rãi và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía nhân dân, góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Lào Cai đã chú trọng giải quyết những vấn đề nổi cộm và cấp bách về xây dựng gia đình ở vùng cao, như: hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn, bất bình đẳng giới, phụ nữ đi khỏi địa phương, chăm sóc, giáo dục trẻ em… Với cách làm thiết thực, gần gữi với nhân dân, như thông qua việc xây dựng các câu lạc bộ tuyên truyền, các mô hình mẫu và hương ước của làng, bản, lập ra các hội đồng người có uy tín trong cộng đồng, gắn với vai trò của già làng, trưởng bản để tuyên truyền triển khai thực hiện nên phong trào xây dựng gia đình văn hóa có bước chuyển biến mạnh mẽ. Nổi bật nhất là công tác xóa bỏ tập quán lạc hậu, xóa đói giảm nghèo, giữ vững ổn định trật tự xã hội, thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, bảo tồn văn hóa truyền thống, giữ gìn cảnh quan môi trường, thực hiện các phong trào đóng góp xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, quỹ “Vì người nghèo” mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Năm 2014, toàn tỉnh có 76,5% hộ gia đình văn hóa, thì đến năm 2018, hộ gia đình văn hóa trên toàn tỉnh tăng lên là 82%. Bên cạnh đó, phong trào xây dựng thôn bản, tổ dân phố văn hóa được đẩy mạnh. Các làng, bản văn hóa đã được từng bước xóa đói, giảm nghèo, đời sống văn hóa, tinh thân lành mạnh, phong phú, nhân dân các dân tộc phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế xã hội, thực hiện nếp sống văn hóa. Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa được duy trì và từng bước nâng cao về chất lượng. Các cơ quan đơn vị, trường học đã đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, giao lưu, trao đổi góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân, viên chức, người lao động, học sinh. Năm 2018, số cơ quan đơn vị đạt danh hiệu văn hóa đạt gần 88%.

Để xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và tín ngưỡng, Lào Cai đã có nhiều cách làm sáng tạo, như các địa phương đã tổ chức nhiều hội nghị già làng, trưởng bản phổ biến quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và ký cam kết xóa bỏ các tập tục lạc hậu... Nhờ vậy các tập tục trong việc cưới được đẩy lùi, việc thách cưới cao, nghi lễ cưới xin rườm rà được hạn chế, các cặp kết hôn đều thực hiện đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật.


Các lễ hội dân gian mang lại giá trị sinh hoạt nghi lễ cộng đồng cao cho người dân. (Ảnh Thanh Cường)

Hằng năm Lào Cai có khoảng 40 lễ hội được tổ chức ở các địa phương, chủ yếu là các lễ hội dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc vào dịp năm mới. Tuy quy mô tổ chức không lớn nhưng các lễ hội dân gian mang lại giá trị sinh hoạt nghi lễ cộng đồng cao, phần lễ kết hợp với các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc, các hoạt động ẩm thực, giao lưu văn nghệ thu hút được đông đảo người dân địa phương trong vùng tham gia, tạo không khí vui tươi, phấn khởi góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Ngoài ra, các lễ hội gắn với di tích, nhân vật lịch sử như Lễ hội Đền Thượng, Lễ hội Đền Bảo Hà,… đều được tổ chức đúng nghi lễ truyền thông, chất lượng, là điểm nhấn thu hút du khách đến với Lào Cai, thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển. Việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số được thực hiện sáng tạo. Toàn tỉnh hiện có 43 di tích, danh thắng được xếp hạng, trong đó có 20 di tích cấp quốc gia, 23 di tích cấp tỉnh. Công tác bảo tồn đã tập trung vào các di sản văn hóa trọng điểm, có giá trị cao và gắn với việc khai thác nguồn lợi các di sản phục vụ xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhiều di tích của Lào Cai đã trở thành điểm thăm quan nổi tiếng của cả nước, đã trùng tu, phát triển quy mô hơn, như di tích Đền Bảo Hà và Đền Cô Tân An; di tích Đền Thượng – Đền Mẫu – Đền Đôi Cô (thành phố Lào Cai) là địa chỉ du lịch tâm linh của hàng vạn lượt du khách mỗi năm.

Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai đã kết hợp giữa phát triển văn học, nghệ thuật với bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, tăng cường xây dựng và phát triển văn nghệ quần chúng, khuyến khích quần chúng nhân dân tham gia sáng tạo, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống. Đến nay toàn tỉnh có trên 1 nghìn đội, câu lạc bộ văn nghệ trong đó có gần 600 đội, câu lạc bộ văn nghệ tại thôn bản thường xuyên tập luyện và duy trì hoạt động với từ 1500 đến 2000 buổi biểu diễn trong năm, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng đa dạng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh và du khách thập phương.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ cộng đồng từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã được quan tâm đầu tư. Tỉnh đã huy động nhều nguồn vốn đầu tư trang thiết bị cho các nhà văn hóa. Các nhà văn hóa đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, chính trị, xã hội hữu ích, là nơi hội họp, phổ biến mọi chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, là nơi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, từng bước đáp ứng nhu cầu trao đổi, học tập, sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân thúc đẩy việc xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Để duy trì và phát triển những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới lào Cai cần tiếp tục triển khai đồng bộ Chương trình hành của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát trển bền vững đất nước”, chú trọng bảo tồn, khai thác, phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc Lào Cai; khai thác tốt cơ sở vật chất về văn hóa, thể thao, du lịch nhất là ở đô thị mới, thành phố Lào Cai, Sa Pa, Bắc Hà; xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch, quy hoạch, đề án phát triển văn hóa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh… góp phần làm cho bộ mặt nông thôn Lào Cai ngày càng đổi mới với cơ sở hạ tầng thiết chế văn hoá, thể dục thể thao được đầu tư nâng cấp, cảnh quan môi trường được cải thiện, hệ thống chính trị được củng cố, nhân dân có ý thức tốt hơn trong việc xây dựng gia đình hoà thuận, ấm no, hạnh phúc./.

Nguyễn Ánh
image

image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập