Cảm xúc của thế hệ trẻ trước ngày kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh

Là người con sinh sống và làm việc tại Lào Cai, chứng kiến sự thay đổi của quê hương mình, chúng tôi – thế hệ trẻ Lào Cai không khỏi xúc động, tự hào trước những thành tựu to lớn mà toàn tỉnh đã đạt. 

Chúng ta đang sống trong những ngày mùa thu tháng 9 lịch sử, trên khắp các ngả đường rợp bóng cờ hoa chào mừng ngày Quốc khánh 2/9, đồng thời chào mừng sự kiện 30 năm tái lập tỉnh Lào Cai 01/10/1991-01/10/2021. Thời gian đang đưa đến rất gần dấu mốc quan trọng của tỉnh, cứ mỗi khi nhắc dấu mốc của ngày 01/10 ngày tái lập tỉnh, chắc chắn những người con của Lào Cai đã từng sinh sống, làm việc tại đây luôn nhớ đến những thời kỳ khó khăn, gian khổ khi tái lập tỉnh. Chúng tôi, thế hệ trẻ hôm nay luôn biết ơn, trân trọng những hi sinh, đóng góp của thế hệ đi trước để đến ngày hôm nay chúng ta có một Lào Cai phát triển, thân thiện, hòa bình, đáng sống và đáng đến. Với riêng tôi, được sống, làm việc, được tận hưởng không khí của quê hương Lào Cai, được cống hiến sức mình cho quê hương tôi cảm thấy rất tự hào về quê hương, về Tổ quốc mình.

Các đoàn viên Chi đoàn Sở Thông tin và Truyền thông tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.

Chúng tôi được sinh ra trong hòa bình. Đó là một điều may mắn. Chúng tôi còn được học và thể hiện những khả năng của mình, được sống, được theo đuổi đam mê của tuổi trẻ, đó là một điều hạnh phúc. Có được những giây phút như thế, chúng ta tuyệt đối không được phép quên, không được thiếu hiểu biết về quá khứ, về những khó khăn gian khổ mà mà ông cha ta, những lớp người đi trước đã trải qua. Thông qua lịch sử chúng tôi biết, sau khi tái lập tỉnh Lào Cai đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức: Chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 đã lùi xa nhưng hậu quả để lại vẫn rất nặng nề; Thị xã tỉnh lỵ, các thị trấn huyện lỵ và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của các xã, huyện biên giới đều bị tàn phá. Trong 180 xã, phường, thị trấn của Lào Cai khi đó thì có tới 109 xã vùng cao, đặc biệt khó khăn; phần lớn diện tích tự nhiên của tỉnh có độ dốc lớn, địa hình chia cắt mạnh, không thuận lợi cho canh tác nông nghiệp. Kết cấu hạ tầng giao thông rất lạc hậu, còn 54 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm, từ trung tâm xã đến các thôn, bản hầu hết là đường mòn. Nền kinh tế vẫn mang nặng tính tự túc, tự cấp. Tình trạng du canh, du cư diễn ra khá phổ biến ở hầu hết các huyện trong tỉnh; thiếu đói diễn ra thường xuyên, tỷ lệ hộ nghèo và rất nghèo trên 60%, vùng cao trên 90%. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển chậm, chưa sản xuất thành hàng hóa. Công nghiệp chỉ có khai thác quặng Apatit. Chưa có kinh tế cửa khẩu; du lịch, dịch vụ thương mại còn thiếu thốn, nhỏ lẻ. Trình độ dân trí, văn hóa thấp, có tới 52% dân số các xã vùng cao mù chữ, nhiều người chưa nói được tiếng phổ thông; còn có 14 xã trắng về giáo dục, tỷ lệ huy động trẻ đến trường chỉ đạt 36% - 40%. Mạng lưới y tế chưa đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân; nhiều xã còn ở tình trạng “xã trắng” về y tế. Thông tin liên lạc gặp nhiều khó khăn, chủ yếu sử dụng phương thức truyền thông tin trực tiếp.

Sau gần ba thập niên cùng cả nước thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập do Đảng lãnh đạo và triển khai thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc Lào Cai đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực. Về kinh tế Lào Cai từ một trong sáu tỉnh nghèo nhất cả nước, tạo dựng lại từ “hoang tàn, đổ nát” do chiến tranh đã vươn mình lên trở thành tỉnh phát triển nhất vùng Tây Bắc, là tỉnh phát triển khá của Vùng trung du Miền núi Phía Bắc. Nông nghiệp luôn được tỉnh xác định là ngành trọng tâm, quan trọng nhất để thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, ổn định dân cư và đây cũng là ngành tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển. Kinh tế công nghiệp, xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ có nhiều đột phá; Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, nâng cấp, tương đối đồng bộ là một trong các tỉnh xây dựng thành công khu đô thị hành chính mới Lào Cai - Cam Đường (là sản phẩm của tầm nhìn và sự sáng tạo); Ưu tiên tập trung phát triển hạ tầng lớn, hiện đại, có sức lan tỏa nhất là tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam (Nội Bài - Lào Cai), công trình được ví là trục “kinh tế xương sống” cho cả khu vực Tây Bắc, con đường này không chỉ đặc biệt quan trọng đối với các tỉnh đi qua, mà còn có ý nghĩa với cả vùng và cả nước, cũng như thúc đẩy sự hợp tác phát triển các nước trong khu vực. Đi đôi với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội có chuyển biến mạnh mẽ và đạt nhiều thành tựu quan trọng.

 Kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh, soi lại mình vào truyền thống kiên cường, bất khuất, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; vào những tin yêu, kỳ vọng của Đảng, Bác Hồ kính yêu và các thế hệ cha anh. Với niềm tự hào và biết ơn thế hệ đi trước, thế hệ trẻ Sở Thông tin và Truyền thông Lào Cai ý thức được nhiệm vụ và trọng trách của mình trước yêu cầu ngày càng cao của xã hội, ngoài việc học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp để phục vụ cho nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ, chúng tôi còn nêu cao tinh thần xung kích của tuổi trẻ, tình nguyện tham gia các hoạt động an sinh xã hội, chung tay góp sức cùng đồng bào vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống mới. Chúng tôi sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ, công việc mà cấp trên giao phó, vượt qua mọi khó khăn, kiên định lập trường, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

 Với “Tâm trong - Trí sáng - Hoài bão lớn”, thế hệ trẻ Sở Thông tin và Truyền thông hôm nay nối tiếp truyền thống cha anh sẽ phải ra sức phấn đấu nhiều hơn nữa góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ ngành thông tin truyền thông “Cán bộ có tâm, công nghệ có tầm” trong lòng nhân dân đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện theo lời Bác dạy: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”... quyết tâm góp sức trẻ vì sự phát triển bền vững của ngành thông tin truyền thông tỉnh nói riêng và đất nước nói chung thời kỳ chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

Lâm Tú

image

image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập