Chính sách nào cho “đám mây” tại Việt Nam?
Câu chuyện ứng dụng điện toán đám mây (ĐTĐM) đang bắt đầu “nóng dần”. Đã đến lúc các nhà hoạch định, quản lý chính sách phải bàn tính cách đưa “đám mây” vào “quỹ đạo”.

Có nên “gò cương”?

Tại buổi toạ đàm "Chính sách quản lý và thúc đẩy phát triển ĐTĐM tại Việt Nam" do Bộ TT&TT tổ chức mới đây, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về việc nên hay không nên đặt ra những chính sách quản lý riêng cho hoạt động ứng dụng ĐTĐM.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Trần Viết Huân, Giám đốc Công nghệ kiêm Kiến trúc sư cao cấp Phòng Thí nghiệm ĐTĐM của IBM Việt Nam cho biết: Các nước phát triển đều đang có quan điểm khuyến khích mở rộng ĐTĐM. Các đối tượng, hoạt động tham gia ĐTĐM đã chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật có liên quan, chẳng hạn EU, Malaysia có quy định bảo vệ tính riêng tư của dữ liệu cá nhân, và dữ liệu trên “đám mây” cũng không nằm ngoài sự điều chỉnh của quy định này. Việc áp dụng những chính sách riêng, đặc thù có thể sẽ cản trở sự phát triển công nghệ mới.

Đại diện cho một cơ quan quản lý Nhà nước thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử & CNTT, Bộ Công Thương cũng cho rằng, không nên có chính sách riêng cho ĐTĐM. Hiện tại, Nghị định hướng dẫn thi hành về Luật CNTT bao trùm về phương pháp luận, có tác động điều chỉnh tới các hành vi liên quan về CNTT. Nếu ban hành thêm nghị định về ĐTĐM, không cẩn thận lại thành “rào cản” chỉ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp lớn cung cấp dịch vụ ĐTĐM chứ không phải “sân chơi” cho tất cả các doanh nghiệp, dẫn đến hiện tượng cạnh tranh không hoàn hảo.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm đã từng triển khai thành công ứng dụng ĐTĐM cho các cơ quan Nhà nước, ông Chu Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung (QSTC) chia sẻ: Đối với khối các doanh nghiệp thì Chính phủ chỉ cần khuyến cáo là đủ, để doanh nghiệp tự quyết định. Thế nhưng đối với khối cơ quan Nhà nước sử dụng chi tiêu công thì phải có hướng dẫn, quy định cụ thể để tránh đầu tư tràn lan. Bộ TT&TT cần sớm triển khai hẳn một chuyên đề, chuyên án về ĐTĐM trong các cơ quan Nhà nước, trong đó cần có hướng dẫn từ cách thức chuyển đổi, mua sắm, định mức chi tiêu, cách thức sử dụng dịch vụ...

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT nhấn mạnh: Các dự án xây dựng hệ thống ĐTĐM cần nằm trong tổng thể các dự án CNTT đã và đang được đầu tư triển khai nhằm hướng tới một hệ thống tổng thể. Việc đầu tư xây dựng các hệ thống ĐTĐM cần có quy hoạch để tránh sự chồng chéo, “trăm hoa đua nở” theo kiểu “nhà nhà xây đám mây”, gây lãng phí ngân sách đầu tư của Nhà nước.

Bởi vậy, ông Đường cho biết Bộ TT&TT đã và đang tích cực nghiên cứu, xây dựng quy chế, cơ chế triển khai dịch vụ ĐTĐM trong cơ quan Nhà nước, trong đó dự kiến sẽ ban hành quy định về triển khai các dịch vụ ĐTĐM trong cơ quan Nhà nước theo hình thức hợp tác Công – Tư (PPP), và cơ chế tài chính thuê ngoài (outsourcing) dịch vụ CNTT để khai thác “đám mây”.

Cần “đám mây” cộng đồng Chính phủ

Dù Chính phủ có khuyến khích hay không thì ứng dụng ĐTĐM sẽ vẫn là xu thế tất yếu bởi lợi ích của “đám mây” đang dần dần được thể hiện rõ.

Rõ nhất là tăng hiệu quả chi phí đầu tư. Mỗi Bộ, ngành, tỉnh thành thay vì phải đầu tư một cổng thông tin điện tử (portal), có thể khai thác sử dụng dịch vụ cổng (portal service) trên nền tảng ĐTĐM. Khi đó sẽ không phải bỏ chi phí đầu tư hạ tầng, tài sản cố định, phần cứng, phần mềm, mà chỉ cần đầu tư các ứng dụng cần thiết rồi thuê hạ tầng, dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu.

Lợi điểm này vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh ngân sách Nhà nước đang siết chặt chi tiêu. Nhiều tỉnh, thành hàng năm chỉ được cấp khoảng 10 – 20 tỷ đồng cho ứng dụng CNTT, có tỉnh chỉ nhận được 5 tỷ đồng, không đủ để mua sắm phần cứng. Nếu chuyển sang phương thức đầu tư cho dịch vụ trên nền tảng “đám mây”, chỉ cần 1 - 2 tỷ đồng thuê hạ tầng, dịch vụ có sẵn trên “đám mây”, phần kinh phí còn lại tập trung cho triển khai các ứng dụng đặc thù của Bộ, ngành, địa phương. Như vậy thì có thể phát triển ứng dụng CNTT một cách sâu rộng, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chưa có chính sách, quy định cụ thể về triển khai ĐTĐM, rất dễ xảy ra hiện trạng mỗi cơ quan Bộ, ngành, địa phương lại có một đám mây nho nhỏ”, có thể khó chuyển đổi, liên thông dữ liệu với nhau khi triển khai cung cấp dịch vụ công trên phạm vi cả nước.

Một nhu cầu đã được tính đến, đó là hình thành nên đám mây cộng đồng của Chính phủ, học theo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới.

Chẳng hạn như tại Nhật Bản đã có đám mây công cộng (public cloud) dành cho các Bộ, ngành Trung ương, cho phép cơ sở dữ liệu và ứng dụng chủ chốt của Chính phủ chạy trên hạ tầng duy nhất. Hoặc Singapore đã xây dựng đám mây Chính phủ (Gov-Cloud), tập trung cho các ứng dụng của chính phủ điện tử.

Tán đồng quan điểm Chính phủ nên có một đám mây cộng đồng, ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học & Thống kê tài chính, Bộ Tài chính khuyến nghị các dịch vụ công nên đưa lên đám mây ở mức Chính phủ thay vì đưa lên các đám mây nho nhỏ của từng Bộ, ngành, địa phương.

“Thời gian tới, Bộ TT&TT cần sớm có hướng dẫn về việc nên hoặc không nên đưa ứng dụng, dịch vụ gì lên đám mây để các Bộ, ngành, địa phương có định hướng để chuyển đổi một cách đồng bộ trong giai đoạn 2011 – 2015”, ông Mai đề xuất thêm.  

Điện toán đám mây là một mô hình cho phép truy cập thông qua mạng từ bất kỳ nơi nào một cách tiện lợi và theo nhu cầu đến một kho dùng chung các tài nguyên tính toán có thể cấu hình được (như mạng máy tính, máy chủ, lưu trữ, ứng dụng và dịch vụ). Các tài nguyên này có thể được cấp phát hoặc trả về một cách nhanh chóng với nỗ lực quản lý hoặc tương tác với các nhà cung cấp dịch vụ ở mức tối thiểu.

Có 4 mô hình triển khai đám mây:

+ Đám mây riêng (private cloud): hạ tầng đám mây được vận hành cho riêng một tổ chức/doanh nghiệp. Có thể được quản lý bởi chính doanh nghiệp/tổ chức hoặc một bên thứ 3, có thể hiện hữu tại cơ sở doanh nghiệp (on premise) hoặc bên ngoài (off premise).

+ Đám mây cộng đồng (community cloud): hạ tầng đám mây được chia sẻ cho một nhóm khách hàng xác định có chung các tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ hoặc chung mối quan tâm về an toàn, bảo mật, quy định pháp lý ngành (ví dụ nhóm khách hàng chính phủ, ngân hàng, nhóm các công ty dầu khí, các công ty trong một khu công nghiệp tập trung).

+ Đám mây công cộng (public cloud): hạ tầng đám mây được cung cấp cho đại chúng hoặc một ngành công nghiệp diện rộng và được sở hữu bởi một tổ chức kinh doanh dịch vụ đám mây.

+ Đám mây lai (hybrid cloud): hạ tầng đám mây kết hợp 2 hoặc nhiều đám mây.

image

image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập