Đề xuất các giải pháp chuyển đổi số đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

1. Sự cần thiết và tất yếu phải chuyển đổi số

Thế giới đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp, đó là cơ giới hóa, điện khí hóa và tự động hóa, và nay cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cuộc cách mạng về số hóa. Chuyển thông tin sang dạng số, Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và Chuyển đổi số (CĐS) là ba cấp độ số hóa.
Nếu ứng dụng CNTT không đòi hỏi phải thay đổi nhiều về các quy trình hoặc vận hành của tổ chức, thì CĐS là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất sang môi trường số dựa trên các công nghệ số. Do vậy, có thể nói CĐS là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ.
CĐS là xu thế tất yếu của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Các chủ trương, chính sách về thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia đã được xác định tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng một lần nữa khẳng định đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và thực hiện chuyển đổi số quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII. Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó xác định rõ 3 trụ cột chuyển đổi số đó là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.  
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, các quốc gia trên thế giới đều quyết tâm đẩy mạnh hành động, coi chuyển đổi số là giải pháp quan trọng để phòng chống, phục hồi và phát triển sau đại dịch. Để hạn chế lây lan do tiếp xúc, các hoạt động không tiếp xúc trên môi trường số được triển khai rộng khắp, người dân nhanh chóng tự học cho mình các kỹ năng số cần thiết. Giải pháp đột phá để đẩy nhanh quá trình CĐS là phát triển các nền tảng số quốc gia.
Nền tảng số là hệ thống thông tin trực tuyến hoạt động theo mô hình sử dụng công nghệ số để tạo môi trường mạng cho phép nhiều bên cùng tham gia để cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân, có thể sử dụng ngay, đơn giản, thuận tiện, linh hoạt theo yêu cầu, dễ dàng phổ biến trên diện rộng, các bên tham gia không cần tự đầu tư, quản lý, vận hành, duy trì. Nền tảng số là “hạ tầng mềm” của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng, càng có nhiều người sử dụng thì dữ liệu càng nhiều, chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn.
2. Giải pháp chuyển đổi số đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân cho thấy đã có sự đổi mới từng bước các hình thức PBGDPL qua các thời kỳ. Nếu giai đoạn 2003 - 2007 và giai đoạn 2008 - 2012 chủ yếu là các hình thức trực tiếp thì đến giai đoạn 2012 - 2016 đã bắt đầu ứng dụng CNTT trong PBGDPL như thiết lập và nâng cấp các trang thông tin điện tử về PBGDPL, triển khai các văn bản mới ban hành dưới dạng hội nghị trực tuyến, tuyên truyền, phổ biến qua mạng Internet, giải đáp pháp luật qua hộp thư điện tử. Đến giai đoạn 2017 - 2019, Đề án Tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019 - 2021 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 417/QĐ-TTg ngày 26/4/2019. Đề án bao gồm 06 nhiệm vụ chủ yếu: (1) Xây dựng Cổng thông tin điện tử PBGDPL dùng chung toàn quốc; (2) Xây dựng Cổng/Trang thông tin điện tử PBGDPL bộ, ngành, đoàn thể, địa phương; (3) Xây dựng các chương trình, sản phẩm, tài liệu, ấn phẩm phổ biến, giáo dục pháp luật đăng tải trên Cổng/Trang thông tin điện tử PBGDPL; (4) Xây dựng Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia; (5) PBGDPL trên mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến, mạng viễn thông; (6) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ tin học cho đội ngũ làm công tác PBGDPL.
Thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; trong đó đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT, kỹ thuật số, mạng xã hội trong công tác PBGDPL, cần nhận thức vài trò tích cực của CĐS và xem xét lựa chọn ứng dụng công nghệ mới trong CĐS sau đối với công tác PBGDPL:
a) CĐS tác động tích cực đến hoạt động PBGDPL
Với cách tiếp cận CĐS là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện dựa trên các công nghệ số, hãy ứng dụng công nghệ số để chuyển đổi mô hình hoạt động, tạo những sản phẩm mới; cách làm mới hiệu quả hơn, hãy chuyển dịch các hoạt động PBGDPL lên môi trường mạng, tạo sự khác biệt. Cụ thể:
- Mở rộng Phạm vi, đối tượng PBGDPL không chỉ giới hạn ở không gian địa lý mà chuyển đổi thực hiện trên môi trường mạng.
- Tùy biến Nội dung PBGDPL cho các đối tượng khác nhau, tại các thời điểm khác trong cuộc sống (đúng đối tượng, đúng thời điểm, xác định người dân là trung tâm). Muốn vậy phải ứng dụng các công nghệ số (AI, Bigdata,…) để biết người dân cần gì về pháp luật.
- Phong phú, đa dạng hóa về hình thức thể hiện nội dung, hấp dẫn, dễ hiểu phù hợp các đối tượng (video, clip, infographic,…).
- Tạo tương tác hiệu quả với với người dân qua cổng, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, thông qua thiết bị di động, đặc biệt là smartphone; tương tác 24/7, mọi lúc, mọi nơi. Chủ thể tương tác ứng dụng CĐS để có thể tương tác tự động (ví dụ qua chatbot, AI,…).
- Tổ chức đánh giá công tác PBGDPL trực tuyến qua các ứng dụng (công nghệ AI, đánh giá, phân tích trên không gian mạng sự tuân thủ, hiểu biết pháp luật; dư luận xã hội liên quan đến ban hành, thực thi pháp luật.
b) Đề xuất triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số trong công tác PBGDPL sau:
Thứ nhất, cần nhanh chóng xây dựng, ban hành Đề án chuyển đổi số trong công tác PBGDPL giai đoạn mới thay thế cho Đề án Tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019 - 2021.  
Thứ hai, cần khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách cho chuyển đổi số khả thi, hiệu quả trong công tác PBGDPL.
Thứ ba, cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là hoàn thành mục tiêu phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh. Thiết bị di động thông minh là phương tiện chính của người dân trong thế giới số, sẽ rất cần trong công tác PBGDPL.
Thứ tư, cần có những nền tảng PBGDPL dành riêng cho mỗi đối tượng được PBGDPL, đặc biệt là một số đối tượng đặc thù như người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân; người lao động trong các doanh nghiệp; nạn nhân bạo lực gia đình; người khuyết tật;….
Thứ năm, cần phát triểnnền tảng để người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước(CQNN) tra cứu pháp luật dưới dạng hỏi - đáp, tình huống. Hiện nay, việc PBGDPL do các bộ, ngành, địa phương tổ chức theo nhiều hình thức khác nhau khi có văn bản mới. Cũng có nhiều cổng/trang thông tin điện tử về văn bản pháp luật có hoặc không thu phí. Tuy nhiên, hệ thống văn bản của Việt Nam khá phức tạp, một nội dung người dân, doanh nghiệp, CQNN cần có khi được quy định ở nhiều văn bản, thuộc nhiều cổng/trang thông tin điện tử khác nhau. Vì vậy, cần phát triển ứng dụng để khi người dân, doanh nghiệp hay CQNN có câu hỏi hay vấn đề gì cần biết về quy định pháp luật thì chỉ cần hỏi một câu trong ứng dụng là sẽ có câu trả lời cụ thể chứ không chỉ là tra cứu văn bản. Bên cạnh việc phát triển ứng dụng, quan trọng nhất là xây dựng bộ câu hỏi - đáp, tình huống pháp luật đúng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, CQNN. Các bộ, ngành, địa phương thay vì tổ chức PBGDPL thì khi có văn bản mới ban hành phải xây bộ câu hỏi - đáp, tình huống về văn bản đó, gửi Bộ Tư pháp để đưa lên CSDL và chuyển ra ứng dụng để trả lời người dân, doanh nghiệp, CQNN. Có thể tích hợp các nền tảng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, giọng nói nhân tạo để hỗ trợ công tác tìm kiếm, trả lời; nhất là cho các đối tượng đặc thù như người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa; người khuyết tật; …
Thứ sáu, cần phát triển nền tảng tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giải đáp pháp luật từ xa. Giống như nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa, chúng ta có thể phát triển một nền tảng tương tự để tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giải đáp pháp luật từ xa phục vụ cho các đối tượng người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Có thể tích hợp nền tảng trí tuệ nhân tạo như trợ lý ảo AI để hỗ trợ công tác tư vấn, trợ giúp, giải đáp. Giải pháp này được bảo đảm khi mục tiêu đến năm 2025 chúng ta phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh.
Thứ bảy, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ làm công tác PBGDPL. Một nền tảng đào tạo trực tuyến dành riêng để đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác PBGDPL, sẽ giúp nâng cao năng lực của họ.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của CĐS. Công tác phổ biến và giáo dục pháp luật cũng đồng hành với tiến trình CĐS quốc gia, giúp cơ quan, tổ chức, người dân nâng cao nhận thức, hiểu rõ pháp luật, cơ chế, chính sách để cùng nhau đồng lòng, phối hợp, triển khai CĐS đúng pháp luật và hiệu quả.
CĐS là một quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện. Nhận thức và giải pháp thực hiện chuyển đổi số cũng vậy, không ngừng vận động, biến đổi. CĐS trong công tác PBGDPL cũng không nằm ngoài xu thế đó. Vì vậy các đề xuất và giải pháp trên cũng để mở để không ngừng vận động, biến đổi theo sự phát triển. 

Theo https://cspl.mic.gov.vn/Pages/TinTuc/138576/dE-XUAT-CAC-GIAI-PHAP-CHUYEN-dOI-SO-dOI-VOI-CONG-TAC-PHO-BIEN--GIAO-DUC-PHAP-LUAT.html

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image

image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập