Từ ngày 01/7/2024, Luật Viễn thông bắt đầu có hiệu lực

Ngày 24/11/2023, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Viễn thông số 24/2023/QH15 (viết tắt là Luật Viễn thông năm 2023) với tỷ lệ tán thành 94,74%. Luật Viễn thông năm 2023 gồm 10 chương, 73 điều, quy định về hoạt động viễn thông; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông; quản lý nhà nước về viễn thông với nhiều điểm mới:

Về phạm vi điều chỉnh: So với Luật năm 2009, Luật Viễn thông năm 2023 mở rộng phạm vi điều chỉnh một số dịch vụ mới: dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet phù hợp với xu thế chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số; đồng thời tạo môi trường pháp lý rõ ràng, bình đẳng cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh.

Về phát triển hạ tầng viễn thông: để tạo thuận lợi cho phát triển hạ tầng viễn thông, đáp ứng vai trò là hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Luật Viễn thông năm 2023 bổ sung một số quy định về trách nhiệm của UBND các cấp trong giải quyết, xử lý các hành vi cản trở việc xây dựng hợp pháp cơ sở hạ tầng viễn thông; quy định lắp đặt công trình viễn thông trên tài sản công; Quy định hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật; về thiết kế, xây dựng tòa nhà, công trình xây dựng công cộng, khu chức năng,…; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng tòa nhà chung cư; trách nhiệm giao Bộ TT&TT hướng dẫn cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá, phương pháp định giá thuê sử dụng mạng cáp, hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động sau khi thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng.

Về hoạt động viễn thông công ích: kế thừa việc duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nambổ sung, hoàn thiện các quy định về hoạt động viễn thông công ích

Về đấu giá kho số viễn thông, tài nguyên Internet: Luật Viễn thông năm 2009 đã có quy định đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet nhưng chưa thực hiện được. Nguyên nhân chủ yếu là do khó xác định được đầy đủ các loại mã, số viễn thông thực hiện đấu giá và khó xác định giá khởi điểm để đấu giá. Khắc phục các vướng mắc này, Luật Viễn thông năm 2023 đã quy định cụ thể tại Điều 50 các loại tài nguyên kho số viễn thông, tài nguyên Internet phải đấu giá bao gồm: mã mạng di động mặt đất, số thuê bao di động sử dụng cho thuê bao là người, số dịch vụ ứng dụng tin nhắn ngắn, số dịch vụ giải đáp thông tin, tên miền quốc gia “.vn” cấp 2 có độ dài 1 đến 2 ký tự trừ các tên miền được bảo vệ, tên miền dùng chung.

Về ngăn chặn SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi vi phạm pháp luật: Luật Viễn thông năm 2023 bổ sung một số quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông, người sử dụng dịch vụ viễn thông trong việc quản lý thông tin thuê bao, ngăn chặn, xử lý SIM không đúng thông tin thuê bao, cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn, cuộc gọi lừa đảo.

Về cấp giấy phép viễn thông: bổ sung quy định về các hình thức cấp phép; quy định điều kiện cấp phép; bổ sung thêm hình thức đăng ký, thông báo cung cấp dịch vụ viễn thông để áp dụng với các dịch vụ viễn thông cần quản lý nhẹ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, khuyến khích gia nhập thị trường thuận lợi, dễ dàng hơn đối với một số dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng.

Về quản lý thị trường viễn thông: bổ sung quy định quản lý hoạt động bán buôn trong viễn thông để thúc đẩy cạnh tranh, phù hợp với thông lệ quốc tế; bổ sung quy định về quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông của các tổ chức nước ngoài theo hình thức qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam; hoàn thiện quy định sử dụng tài khoản SIM thuê bao di động để thanh toán cho dịch vụ viễn thông và dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động; bổ sung quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát công nghệ mới, mô hình mới trong hoạt động viễn thông.

Để đảm bảo các nội dung Luật Viễn thông được triển khai thực hiện có hiệu quả, ngày 04/04/2024 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 278/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Viễn thông, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm:

Đối với cơ quan nhà nước: Tổ chức phổ biến, tập huấn Luật Viễn thông, Tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); Xây dựng văn bản quy định chi tiết

Đối với người dân, doanh nghiệp: Chủ động nghiên cứu, tìm hiểu các quy định của Luật Viễn thông để hiểu, nắm bắt và thực hiện đúng các quy định pháp luật; Áp dụng và tuân thủ các quy định khi tham gia hoạt động viễn thông.

Luật Viễn thông năm 2023 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024, thay thế Luật Viễn thông năm 2009. Việc ban hành Luật sẽ thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước trong hoạt động viễn thông, phát triển hạ tầng viễn thông tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong Luật Viễn thông năm 2009; bổ sung quy định đối với các nội dung mới, phù hợp với xu thế phát triển; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của Luật này với hệ thống pháp luật, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đơn giản hóa thủ tục hành chính./.

image

image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập