Phát triển thương mại điện tử, kinh tế số trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2024

Mới đây, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 173/KH-UBND về phát triển thương mại điện tử, kinh tế số trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2024.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm triển khai các giải pháp hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh; thúc đẩy tạo điều kiện doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chuyển đổi số; đồng thời nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan Nhà nước.

Tại Kế hoạch này, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương tổ chức, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024. Trong đó, tăng cường nâng cao hiệu quả, vai trò công tác quản lý Nhà nước về thương mại điện tử (TMĐT). Triển khai công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, định kỳ, đột xuất đối với hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động TMĐT trên địa bàn về xuất xứ hàng hóa, nhãn hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, sở hữu trí tuệ...; tăng cường công tác kiểm soát, kiểm tra, thanh tra công tác quản lý nhà nước về thuế trong thương mại điện tử.

anh tin bai

Lào Cai có 98% sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử, tạo gian hàng số.

Phát triển hạ tầng, ứng dụng, dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử. Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số; chú trọng phát triển các dịch vụ mang tính hỗ trợ, logistics cho TMĐT/TMĐT xuyên biên giới nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động vận chuyển và giao nhận hàng hóa trong thương mại điện tử. Đẩy mạnh ứng dụng việc thanh toán không dùng tiền mặt trong việc thanh toán hóa đơn dịch vụ (điện, nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn tỉnh, dịch vụ công trực tuyến...). Ứng dụng nền tảng trao đổi định danh và xác thực điện tử phục vụ việc định danh và xác thực người sử dụng trong các hoạt động thương mại điện tử và giải quyết thủ tục hành chính.

Hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng dụng TMĐT trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Thông qua các đề án khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng các công nghệ số cải tiến máy móc, mô hình sản xuất, tối ưu hóa hoạt động quản lý cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất. Quản lý, vận hành hiệu quả sàn thương mại điện tử của tỉnh để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ hàng hóa của tỉnh (hỗ trợ đưa 100% sản phẩm OCOP và các sản phẩm chủ lực của địa phương lên sàn); liên kết sàn TMĐT của tỉnh với sàn TMĐT các tỉnh, thành trong cả nước.

Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp: tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử phổ biến cho cá nhân, thương nhân trên địa bàn nhằm đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử trong nước và xuất nhập khẩu trực tuyến. Tuyên truyền về thương mại điện tử, các quy định, chính sách về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại trên các nền tảng số, mạng xã hội và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 Với các nhiệm vụ cụ thể, Lào Cai phấn đấu trong năm 2024 sẽ nâng cao tỷ lệ doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân sử dụng các nền tảng số, hóa đơn điện tử, thanh toán trực tuyến, tỷ lệ sản phẩm, hàng hóa OCOP của tỉnh trên các sàn TMĐT. Tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số đạt 25%; Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng Hợp đồng điện tử đạt 30%; 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; 100% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất kinh doanh; 100% các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử được đưa lên các sàn thương mại điện tử./.

Lâm Tú
image

image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập