Quy định kinh phí đào tạo an toàn, an ninh thông tin
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 166/2015/TT-BTC quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Dự án "Đào tạo ngắn hạn về an toàn, an ninh thông tin trong nước" thuộc Đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin (ATANTT) đến năm 2020".

Theo đó, nguồn kinh phí để thực hiện Dự án trên bao gồm: Ngân sách nhà nước, nguồn thu của các cơ quan, đơn vị được phép để lại sử dụng theo quy định của pháp luật và nguồn đóng góp của các doanh nghiệp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Đối tượng được tham gia đào tạo theo Dự án là cán bộ, công chức, viên chức làm về ATANTT trong các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương; cán bộ, công chức, viên chức làm về ATANTT trong các đơn vị, bộ phận chuyên trách về công nghệ thông tin thuộc các Tổng cục, Cục hoặc đơn vị sự nghiệp (nếu có); cán bộ, công chức, viên chức làm về ATANTT trong các Sở Thông tin và Truyền thông, các Trung tâm Công nghệ thông tin thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cán bộ lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương; cán bộ chuyên trách về ATANTT tại các doanh nghiệp, tổ chức tài chính, ngân hàng, tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước.

Trong Thông tư, Bộ Tài chính cũng quy định cụ thể các nội dung chi như chi thuê cơ sở vật chất; chi cho giảng viên chính, trợ giảng, cán bộ kỹ thuật trong nước; chi cho giảng viên nước ngoài (mức không quá 20 triệu đồng/người/ngày); chi đào tạo, bồi dưỡng theo chứng chỉ quốc tế của các hãng,...

Đối với đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức trực truyến, ngoài các khoản chi được quy định trong Thông tư số 139/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính, còn được chi cho các nội dung sau: Chi xây dựng chương trình khung, biên soạn chương trình, giáo trình thực hiện theo Thông tư số 123/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định nội dung chi, mức chi xây dựng chương trình khung và biên soạn chương trình, giáo trình các môn học đối với các ngành đào tạo Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp; Chi số hóa bài giảng phục vụ cho đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến thực hiện theo quy định tại Thông tư số 194/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; Chi mua sắm, xây dựng các phần mềm phục vụ đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến thực hiện theo quy định về xây dựng, mua sắm phần mềm; Chi thuê, mua các dịch vụ để duy trì, lưu trữ bài giảng trên mạng internet được thanh toán theo hợp đồng giữa các cơ sở đào tạo và nhà cung cấp, bảo đảm tuân thủ quy định hoá đơn chứng từ và quy định về đấu thầu, mua sắm hàng hóa, dịch vụ…

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì biên soạn chương trình, giáo trình đào tạo cho phù hợp với yêu cầu đào tạo của các khóa đào tạo ngắn hạn; tổ chức lựa chọn các đơn vị đào tạo có năng lực để triển khai các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ thuật ATANTT cho đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin và ATANTT kỹ thuật cao trong các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin thuộc các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương; đào tạo kiến thức ATANTT cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của các Bộ, ngành, địa phương; đào tạo theo chứng chỉ quốc tế về ATANTT.

 

Các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương căn cứ chương trình, giáo trình và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, căn cứ khả năng kinh phí của mình để tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn về ATANTT cho đội ngũ cán bộ làm về ATANTT trong các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của các Bộ, cơ quan Trung ương; trong các Sở Thông tin và Truyền thông, các Trung tâm công nghệ thông tin thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức có liên quan đến ATANTT khác trong phạm vi quản lý của mình.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/12/2015.

image

image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập