Bác Hồ với tự phê bình và phê bình

Đến bây giờ chúng ta mới càng thấy rõ, không phải ngẫu nhiên mà trong tác phẩm quan trọng “Sửa đổi lối làm việc” ra đời từ năm 1947, Bác đã đặt tên cho phần thứ nhất của tập sách là “Phê bình và sửa chữa”.

anh tin bai

Bác viết “Mỗi cán bộ, mỗi Đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, phải tự phê bình, phải tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như vậy thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”.

Bác phê phán những kẻ muốn trốn tránh tự phê bình và phê bình bằng luận điểm “Nếu phê bình khuyết điểm của đồng chí mình, của Đảng và Chính phủ thì địch sẽ lợi dụng mà công kích ta”.

Bác phân tích “Nói vậy là lầm to. Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết cũng “la lết quả dưa”.

“Nói về từng người, nể nang không phê bình, để cho đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc. Thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm mà không chữa cho họ”.

“Nói về Đảng, một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” (1 ).

Lời nói đi đôi với việc làm, Bác Hồ là một tấm gương sáng ngời về tự phê bình và phê bình để toàn Đảng, toàn dân noi theo.

Năm 1945, khi chỉ mới giành chính quyền được vài tháng, trên cương vị Chủ tịch nước, Bác Hồ đã có bức thư tự phê bình hết sức cảm động gửi đồng bào cả nước:

“Vì yêu mến tôi và tin cậy tôi mà đồng bào đã giao vận mệnh nước nhà cho tôi gánh vác. Phận sự tôi như một người cầm lái phải chèo chống thế nào để đưa chiếc thuyền tổ quốc vượt khỏi những cơn sóng gió mà an toàn đi đến bờ bến hạnh phúc cho nhân dân”.

“Chỉ vì tôi tài hèn sức mọn cho nên chưa làm được đầy đủ những sự mong muốn của đồng bào”.

Bác nêu lên một số việc đã làm được trong mấy tháng qua của chính quyền non trẻ:

“Xây dựng nền độc lập nước nhà, lãnh đạo cuộc kháng chiến miền Nam, ra sức kêu gọi tăng gia sản xuất và tìm mọi cách cứu nạn đói ở miền Bắc, tổ chức Tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta, chuẩn bị thành lập Quốc hội”.

Trong hoàn cảnh thế nước “Ngàn cân treo sợi tóc”, thực sự đó là những thành tích vĩ đại nói lên sự lãnh đạo vô cùng sáng suốt và công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với toàn dân tộc. Thế nhưng, Bác vẫn khiêm tốn tự phê bình trước đồng bào cả nước:

“Ngoài những việc đó, Chính phủ do tôi đứng đầu chưa làm được việc gì đáng kể cho nhân dân.

Tuy những người trong ban hành chính làm việc tốt và thanh liêm, song cái tệ tham ô, nhũng lọng chưa quét sạch.

Tuy Chính phủ ra sức chỉnh đốn song nhiều nơi chính trị vẫn chưa vào nề nếp…

Có thể đổ cho rằng những khuyết điểm đó vì thời gian còn ngắn ngủi, vì nước ta còn mới, hoặc vì lẽ này, lẽ khác…

Nhưng không, tôi phải nói thật: Những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại chúng tôi.

Người đời không phải thần thánh, không ai tránh khỏi khuyết điểm”.

Thực cảm động biết bao trước việc làm cao cả của vị Chủ tịch nước, của Bác Hồ kính yêu, một tấm gương tuyệt vời của một nhân cách lớn để toàn Đảng, toàn dân ta noi theo. Đã gần 70 năm qua, lá thư tự phê bình của Bác vẫn còn là một bài học quý báu đối với tất cả chúng ta hôm nay.

Năm 1950, được báo cáo ở Liên khu IV, nhiều địa phương dùng những biện pháp thô bạo, cưỡng bức để huy động sức người, sức của, thậm chí có nơi bắt bớ dân, trưng thu tài sản trái phép của dân, làm cho dân bất bình. Được tin, Bác đã lập tức gửi thư cho đồng bào Liên khu IV, tự phê bình:

“Nghe các ông thanh tra báo cáo lại những việc đó, tôi rất đau lòng. Dù Chính phủ đã ra lệnh trừng trị những cán bộ đó, tôi phải thật thà xin lỗi đồng bào vì những cán bộ sai lầm mà bị oan ức. Tôi thật thà tự phê bình khuyết điểm của tôi là giáo dục và lựa chọn cán bộ chưa được chu đáo” (2).

Cũng trong năm đó, Bác được báo cáo về những sai lầm của một số cán bộ ở Liên khu V dẫn đến “vụ Sơn Hà” đáng tiếc. Bác liền gửi công điện số 508/D ngày 14-1-1950 trực tiếp cho nhân dân Sơn Hà:

“Được tin một số đồng bào vì sai lầm của một số cán bộ mà để cho giặc lợi dụng, làm rối loạn trị an, hại đến đoàn kết, tôi rất phiền lòng…

Đồng bào biết rằng Chính phủ ta là chính phủ của dân. Việc gì hại đến dân thì Chính phủ hết sức tránh. Việc gì lợi cho dân thì chính phủ ra sức làm. Tôi và chính phủ rất yêu quý đồng bào. Nếu cán bộ địa phương có điều gì sai lầm, nếu đồng bào có việc gì oan ức thì đồng bào phái đại biểu đến trình bày với tôi và Chính phủ. Tôi đảm bảo rằng tôi và chính phủ sẽ trừng trị những cán bộ có lỗi và sẽ làm cho đồng bào khỏi oan ức”.

Cũng ngày hôm đó, Bác gửi một bức mật điện số 509/D cho cán bộ chính quyền và đoàn thể Nam Trung bộ nêu những “khuyết điểm nặng” trong vụ Sơn Hà và trong việc động viên tài lực của dân nói chung.

Bác yêu cầu các cán bộ “phải dùng phê bình và tự phê bình từ trên xuống dưới, từ dưới lên, kiên quyết sửa chữa cho kỳ sạch những khuyết điểm đó” 3.

Bác đặc biệt quan tâm đến vấn đề tự phê bình và phê bình nên hễ có dịp là Bác lại nhắc nhở đến vấn đề này, trong các các bài nói và bài viết. Do đó có thể nói Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta cả một hệ thống quan điểm tư tưởng về vấn đề tự phê bình và phê bình.

Nhân dịp này, chúng ta hãy ôn lại những lời dạy của Bác để quán triệt và làm theo, thiết thực hưởng ứng phong trào: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Ngay từ năm 1951, trên Báo Nhân Dân số 9, ngày 20-5-1951 trong bài “Tự phê bình”, Bác viết:

“Tự mình không đánh thắng được khuyết điểm của mình mà muốn đánh thắng kẻ địch, tự mình không cải tạo được mình, mà muốn cải tạo xã hội, thì thật là vô lí. Vì vậy, người cách mạng nhất định phải thật thà tự phê bình và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm” (4).

“Tự phê bình rồi để sửa chữa, để tiến bộ cho nên phải thật thà, phải triệt để mới có kết quả. Nếu chỉ làm cho qua chuyện, chỉ có hình thức thì vô ích” (5).

Nhớ lại sáu năm trước, ngày 14-6-1955, Bác cũng đã từng viết bài “Tự phê bình và phê bình” đăng Báo Nhân Dân số 468, và cũng đã từng nhắc nhở:

“Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh. Nhờ nó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng” (6).

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết từ tháng 10-1947, Bác cũng đã từng viết:

“Phê bình cho đúng, chẳng những không làm giảm thể diện và uy tín của cán bộ, của Đảng. Trái lại còn làm cho sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn, do đó mà uy tín và thể diện càng tăng thêm” (7).

Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ 3 của Hội nhà báo Việt Nam, ngày 8-9-1962 Bác cũng nhắc đến tự phê bình và phê bình:

“Phê bình đúng thì phải đăng báo nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa. Nếu phê bình sai thì đăng báo giải thích. Quyết không được “phớt” lời phê bình và “trù” người phê bình” (8).

Cũng trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ 3 Hội nhà báo Việt Nam ngày 8-9-1962, Bác nói rõ thêm về vấn đề phê bình:

“Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách, mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng, “trị bệnh cứu người”.Chớ phê bình lung tung không chịu trách nhiệm”.

Ngày 21-8-1956 Bác viết bài “Phải xem trọng ý kiến của quần chúng” đăng Báo Nhân Dân số 900:

“Phê bình và đề nghị là quyền dân chủ của mọi công dân. Trách nhiệm của cán bộ chính quyền và đoàn thể là phải xem trọng những phê bình và những đề nghị của quần chúng. Những cán bộ (hoặc cơ quan đoàn thể) được phê bình cần phải thật thà và công khai tự phê bình, ra sức sửa chữa. Nếu lời phê bình có chỗ không thật đúng thì phải giải thích rõ ràng cho quần chúng hiểu. Nhưng dù phê bình đúng cả hay là chỉ đúng một phần nào, chúng ta cũng phải cần luôn luôn hoan nghênh quần chúng phê bình. Tuyệt đối không được áp bức phê bình. Chúng ta phải nhớ rằng cán bộ đoàn thể cũng như chính quyền từ trên xuống dưới đều là đầy tớ của nhân dân, phải xem trọng ý kiến của nhân dân” (9).

Nhưng có lẽ sâu sắc nhất, thấm thía nhất đối với mỗi chúng ta hôm nay là lời dạy của Bác trong dịp làm sách “Người tốt việc tốt” tháng 6-1968:

“Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(10).

Cho đến những ngày sắp đi xa, Bác còn ân cần dặn lại trong di chúc thiêng liêng của mình:

“Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang ra sức thực hiện Nghị quyết Trung ương IV khóa 11, trong đó việc tự phê bình và phê bình là một nội dung rất quan trọng và đang trở thành một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn và sâu sắc. Cùng nhau ôn lại những lời dạy của Bác, noi theo tấm gương mẫu mực của Bác về tự phê bình và phê bình, chắc chắn việc quán triệt Nghị quyết Trung ương IV sẽ đạt được kết quả tích cực nhằm xây dựng Đảng ta thật trong sạch vững mạnh để xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân như Bác Hồ hằng mong muốn.

...................................

1 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB Chính trị Quốc gia – H2011, tr.69

2 Hồ Chí Minh - Về đạo đức cách mạng, tr. 47-48, NXB Chính trị Quốc gia, HN 1993.

3 Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 4, tr. 475, NXB Chính trị Quốc gia, HN 1991

4 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tr.82.

5 Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, tập 7, H2011, tr.81-82.

6 Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, tập 9, H2011, tr.521.

7 Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, tập 5, H2011, tr.324.

8 Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, tập 13, H2011, tr.464.

9 Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, tập 10, H2011, tr.415.

10 Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, tập 15, H2011, tr.672.

Theo laocai.gov.vn (https://laocai.gov.vn/tu-lieu-tham-khao/bac-ho-voi-tu-phe-binh-va-phe-binh-924062)

image

image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập