Hỗ trợ đồng bào dân tộc phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu

Tiểu dự án 2, thuộc Dự án 3 hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Những năm qua, xác định cây dược liệu là cây trồng mũi nhọn, tỉnh Lào Cai đã ban hành các quy hoạch, nghị quyết, đề án, kế hoạch để phát triển sản xuất cây dược liệu theo hướng hàng hóa. Đến nay, tổng diện tích cây dược liệu chính trên địa bàn tỉnh đạt trên 3.550 ha (gồm nhóm cây dược liệu lâu năm dưới tán rừng như sa nhân tím, hồi, chè dây, tam thất, giảo cổ lam...; Nhóm cây dược liệu hàng năm như atiso, đương quy, cát cánh, xuyên khung, …).

Toàn tỉnh hiện có 210 ha (gồm 13 loại cây) dược liệu trồng đã được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên GACP - WHO; giá trị thu nhập bình quân từ sản xuất cây dược liệu đạt 120 - 150 triệu/ha, hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần so với sản xuất lương thực.

anh tin bai

Việc trồng cây dược liệu đã và đang được nhiều địa phương trong tỉnh Lào Cai triển khai nhằm khai thác thế mạnh về khí hậu, thổ nhưỡng.

Là một trong 8 vùng trồng dược liệu có thế mạnh của Việt Nam, trên thực tế, tiềm năng và cơ hội phát triển dược liệu của Lào Cai rất lớn. Nguồn dược liệu của cộng đồng các dân tộc Lào Cai ngày càng được mở rộng, không chỉ cho thấy, giá trị của loại cây trồng này trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, mà còn chứng tỏ nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm dược liệu của Lào Cai ngày càng tăng cao.

Thị xã Sa Pa là một trong những địa phương trọng điểm của tỉnh Lào Cai trong phát triển cây trồng này. Hiện nay, địa phương có trên 200 héc ta cây dược liệu bao gồm: Atiso, sa nhân tím, đương quy, tía tô, chè dây và các loại cây dùng chế biến sản phẩm thuốc tắm người Dao đỏ…

Cây dược liệu cũng là cây có tiềm năng của huyện Si Ma Cai và đã được tỉnh quy hoạch vùng trồng cây dược liệu. Mục tiêu đến năm 2025, sẽ mở rộng diện tích phát triển cây dược liệu của huyện Si Ma Cai lên 500 ha, tập chung vào các loại cây như tam thất, đương quy, đẳng sâm và một số cây dược liệu ngắn ngày như cây xả, cây gừng,…Ngoài các cây dược liệu đã được trồng lâu năm và cho thu nhập tốt như: Đương quy, tam thất,… Cúc chi là loại dược liệu mới lần đầu được thử nghiệm tại xã Bản Mế, huyện Si Ma Cai. Doanh nghiệp hỗ trợ nông dân cây giống, kỹ thuật trồng và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Sau 3 tháng kể từ khi gieo hạt cây sẽ ra hoa và cho thu hoạch. Cúc chi nếu chăm sóc tốt, một sào cúc chi có thể thu từ 450kg đến 500 kg hoa tươi với giá bán khoảng 40.000 đồng/kg, trừ chí phí, thuận lợi khoảng 7 triệu đồng/sào. Được mệnh danh là “thủ phủ” của các loại dược liệu, việc thử nghiệm thêm các giống dược liệu mới trong đó có cúc chi không chỉ mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất mà còn khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh nâng cao giá trị canh tác tạo thu nhập tốt cho người dân địa phương.

anh tin bai

Vườn Đương quy ở xã Lủng Thẩn huyện Si Ma Cai.

Theo kế hoạch số 284/KH-KHUB ngày 15/8/2022 của UBND tỉnh Lào Cai về kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021-2025 giao dự án hỗ trợ đầu tư phát triển vùng trồng dược liệu quý, với tổng nguồn vốn trên 102 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn sự nghiệp gần 51 tỷ đồng (vốn ngân sách trung ương 27,7 tỷ đồng, vốn tín dụng dự kiến 22,6 tỷ đồng).

Tỉnh Lào Cai cũng đã xác định, mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu dược liệu phải gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, đa dạng hoá các sản phẩm bảo đảm an toàn và chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh, là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay và giai đoạn tới. Do vậy, nguồn lực hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719 có vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững loại cây trồng này.

Để phát huy tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 12/3/2024 trong đó triển khai 03 nội dung cụ thể đối với Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, sinh kế cộng đồng: Tiếp tục thực hiện các dự án chuyển tiếp năm 2023 (23 dự án phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị và 20 dự án sinh kế cộng đồng); đồng thời triển khai các dự án mới trong năm 2024.

Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý. Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu thị xã Sa Pa giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, quy hoạch chi tiết vùng trồng, các loại dược liệu trồng: Quy hoạch vùng trồng dược liệu trọng điểm có độ cao từ 800m trở lên trên tất cả các loại đất trong địa bàn thị xã; quy hoạch các loại cây dược liệu trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng; Quy hoạch vùng khai thác tận thu: Bao gồm đánh giá chất lượng, trữ lượng dược liệu và đưa ra kế hoạch tận thu hàng năm ở rừng tự nhiên, khu bảo tồn. Hoàn thiện phê duyệt dự án, phê duyệt dự toán chi tiết để thực hiện Dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý”.

Thực hiện phát triển trồng cây dược liệu trên địa bàn thị xã Sa Pa thành vùng dược liệu trọng điểm của tỉnh Lào Cai với quy mô đến năm 2025 sản xuất với diện tích 210 ha và đến định hướng đến năm 2030 sản xuất với diện tích trên 300 ha.

Hình thành chuỗi giá trị dược liệu có ít nhất 5 doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất và sơ chế dược liệu; nâng cấp mở rộng xưởng chế biến dược liệu ứng công nghệ chế biến cao, xưởng sơ chế đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn GACP – WHO phục vụ sản xuất thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và xuất khẩu nguyên liệu.

Hoàn thiện việc xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý các loài cây dược liệu và sản phẩm dược liệu của Sa Pa - Lào Cai trong nước và Quốc tế; Hình thành ngành nghề mới về trồng, chăm sóc, chế biến dược liệu tạo việc làm cho 300 - 400 hộ gia đình với khoảng 1200 - 1500 lao động, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn thị xã nhanh và bền vững.

Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Tổ chức tuần lễ quảng bá thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm sản phẩm, các phiên chợ văn hóa, hội chợ giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Tổ chức Hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai”. Hỗ trợ triển khai một số mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo nguyên tắc mỗi xã đặc biệt khó khăn có tối thiểu 01 mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp được hỗ trợ.

Với những giải pháp cụ thể, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đưa cây dược liệu trở thành cây chủ lực trong phát triển nông nghiệp của tỉnh, góp phần xóa đói, giảm nghèo nâng cao thu nhập cho người dân./.

 

Lâm Tú

image

image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập